Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)

Tiếp tục phiên họp thứ 17, sáng ngày 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).

Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (sửa đổi) gồm 5 chương và 34 điều. So với Luật hiện hành, dự án Luật đã tăng thêm 1 chương, 16 điều, sửa đổi 17/18 điều, nội dung sửa đổi phù hợp với quan điểm, mục tiêu sửa đổi toàn diện Luật MTTQ Việt Nam hiện hành.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, dự án Luật đã được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật. Về cơ bản, Thường trực Ủy ban pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tạo lập cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn tới, nhất là sau khi sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, dự án Luật đã được xây dựng trên cơ sở tổng kết 10 năm thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thể chế hóa các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) về tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo hướng mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, phát huy dân chủ, xây dựng sự đồng thuận trong xã hội, động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban pháp luật tán thành với nhiều nội dung của dự án Luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị Cơ quan trình dự án cần tiếp tục làm rõ hơn những chính sách mới trong các quy định của dự án Luật, rà soát kỹ các vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành để bổ sung các giải pháp về mặt pháp luật trong dự án Luật.

Về việc bổ sung chức năng cho MTTQ Việt Nam là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhiều ý kiến tán thành với quy định này vì cho rằng việc bổ sung nội dung này cũng là nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tán thành với ý kiến trên, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần bổ sung, làm rõ hơn cơ sở lý luận khi đưa việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của nhân dân thành chức năng của Mặt trận Tổ quốc vào trong dự án Luật.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc thể chế hóa quan điểm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân cần phải cân nhắc kỹ hơn.

Về hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần xác định rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để quy định phạm vi giám sát và phản biện xã hội, xác định rõ hơn về giá trị pháp lý của hoạt động giám sát và phản biện xã hội cũng như mối quan hệ giữa giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận với các quy trình, thủ tục xử lý, giải quyết công việc của Nhà nước.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam