XÃ LUẬN:

Xây dựng Giai cấp nông dân vững mạnh, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà

(NTO) Toàn tỉnh hiện có trên 81,2% số hộ sống ở khu vực nông thôn với trên 126.600 lao động nông nghiệp. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, đời sống và sản xuất của đa số nông hộ trong tỉnh không ngừng được cải thiện, số hộ khá giàu ngày một tăng lên…Đây là kết quả của việc thực thi các chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đồng thời với đó là những đóng góp không nhỏ của tổ chức Hội nông dân các cấp trong tỉnh.

Chỉ tính ở nhiệm kỳ 2008-2013, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền các cấp, cùng với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức, giai cấp nông dân trong tỉnh đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, cần cù, năng động, sáng tạo, đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của các cấp Hội đề ra. Các cấp Hội nông dân đã không ngừng đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động theo hướng gắn với các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương , hướng về cơ sở, thực hiện có hiệu quả các chương trình trọng tâm và các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào Nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng; phong trào nông dân đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, ngày càng thể hiện rõ nét hơn vai trò nòng cốt của tổ chức Hội trong xây dựng nông thôn mới. Điều đáng nói là các phong trào nông dân từng bước đổi mới đi vào chiều sâu, tập trung vào chương trình, dự án phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã... nhất là Hội đảm nhận và thực hiện các dự án kinh tế, khoa học, bước đầu có ý nghĩa tích cực đối với nông thôn, góp phần nâng cao kiến thức, từng bước thay đổi phương pháp canh tác trong nông dân, ứng dụng KHKT vào sản xuất, bảo vệ môi trường và có tính bền vững gắn với đầu ra sản phẩm; đồng thời tín chấp tạo vốn, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất cho nông dân, góp phần giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, giữ vững ổn định an ninh trật tự ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Công tác xây dựng tổ chức Hội các cấp có nhiều chuyển biến tích cực; đội ngũ cán bộ Hội từng bước trưởng thành, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ được nâng lên, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường và phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân…

Trong 5 năm tới (2013-2018), Hội nông dân tỉnh xác định với tinh thần: “Xây dựng giai cấp Nông dân và Hội Nông dân Ninh Thuận vững mạnh, xứng đáng là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân, xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đồng thời đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp là: Phát huy tinh thần “ Đoàn kết – Đổi mới –Sáng tạo- Chủ động hướng về cơ sở”; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng kết hợp chặt chẽ công tác tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng, giám sát, phản biện xã hội và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tăng cường các hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ dạy nghề, đáp ứng nhu cầu và quyền lợi thiết thực của hội viên, nông dân; thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, nâng cao vai trò trách nhiệm của hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…

Các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tiếp tục triển khai các chương trình công tác trọng tâm, phát động phong trào thi đua yêu nước bằng nhiều hình thức phù hợp; tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra và góp phần cùng cả nước xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh.