(NTO) Trong những ngày Tháng tư lịch sử này, chúng tôi có dịp về thăm làng Vạn Phước, thuộc xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước. Qua hơn 200 năm lập làng, người dân Vạn Phước đồng hành cùng sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ năm 1930, nơi đây trở thành chiếc nôi phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Khi đất nước thanh bình, phát huy truyền thống yêu nước, người dân Vạn Phước đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới no ấm, phồn vinh.
Vùng đất Hà Dương cổ
Ông Nguyễn Ngọc Thinh, 76 tuổi, là chứng nhân lịch sử làng Vạn Phước trong hơn bảy thập niên qua. Ông cho biết, căn cứ vào tư liệu lưu trữ tại đình làng cho thấy khu dân cư Vạn Phước được hình thành từ năm Bính Tuất 1776. Buổi đầu lập làng tên là Vạn Đảo do nằm trên vùng đất giữa sông Hà Dương và Sông Dinh. Nay con sông Hà Dương đã bị phù sa bồi đắp trở thành vùng đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ của cư dân địa phương. Đến năm 1802 đời vua Gia Long, làng Vạn Đảo được đổi tên thành Vạn Phước tồn tại phát triển bền vững đến ngày nay.
Khu Truyền thống làng Vạn Phước.
Đình làng được xây cất năm 1848, mái ngói lưu ly với hệ thống kèo xà được chạm khắc tinh xảo, thờ thần hoàng cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Ngày mùng mười tháng ba âm lịch hàng năm, người dân Vạn Phước khắp nơi về dự hội làng tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai hoang mở đất. Chúng tôi rất ấn tượng với hai câu đối được khắc trước cổng vào khu truyền thống làng Vạn Phước:”Nhân kiệt địa linh Hà Dương cổ. Bảo tồn truyền thống Vạn Phước kim”.
Nhân kiệt vùng đất Hà Dương xưa đã nuôi lớn tâm hồn khí phách cụ Trần Thi (1891- 1967), người con ưu tú của làng Vạn Phước. Năm 1930, cụ Trần Thi được tổ chức kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cụ tích cực vận động nhân dân tham gia đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, chống cường hào áp bức bóc lột nông dân nghèo. Tháng 6-1945, cụ được chỉ định tham gia Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Ninh Thuận do đồng chí Lê Tự Nhiên làm Bí thư. Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 1 năm 1946, cụ Trần Thi được nhân dân Ninh Thuận tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I. Ghi nhớ công lao của người con ưu tú làng Vạn Phước, tên cụ được đặt cho mái trường THCS xã Phước Thuận. Nhà nước đang đầu tư xây dựng Nhà tưởng niệm cụ Trần Thi tại làng Vạn Phước.
Từ những năm đầu thành lập Đảng, vùng đất Vạn Phước trở thành chiếc nôi của phong trào cách mạng tỉnh Ninh Thuận. Ngày 1-5-1930, cờ đỏ búa liềm tung tay trên cột cờ đình làng Vạn Phước đánh dấu bước phát triển mới trong đời sống chính trị của nhân dân địa phương. Các đồng chí Trần Công Xứng, Trần Hữu Dực, Trần Quỳnh là những cán bộ cao cấp của Đảng dựa vào lực lượng nòng cốt làng Vạn Phước lãnh đạo nhân dân tỉnh Ninh Thuận. Ngày 17-8- 1945, Tỉnh ủy Ninh Thuận họp tại làng Vạn Phước bàn kế hoạch chuẩn bị lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 12 tháng 8 năm 1945. Vạn Phước là vùng đất kiên trung đóng góp nhiều sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975.
Làng Vạn Phước ngày nay
Nhân dân Vạn Phước đoàn kết nỗ lực chăm lo đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới no ấm, bền vững. Về Vạn Phước, chúng tôi được ông Nguyễn Ngọc Thinh đưa đi thăm thôn xóm xanh bóng những hàng cau. Cánh đồng lúa đông - xuân bao bọc quanh làng chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi Nha Trinh chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Bà con nông dân nhộn nhịp chăm sóc những vườn táo, vườn nho đang mùa đơm bông kết trái.
Cây táo đem lại hiệu quả kinh tế góp phần nâng cao đời sống người dân Vạn Phước.
Anh Trịnh Đình Thảo, Bí thư Chi bộ thôn Vạn Phước, phấn khởi chia sẻ niềm vui: Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương cách mạng Vạn Phước, cấp ủy Chi bộ vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm đời sống no ấm. Cán bộ, đảng viên nêu gương đi trước thi đua làm kinh tế giỏi cho bà con thôn xóm noi theo. Cây nho, cây táo đứng chân bền vững trên đồng đất Vạn Phước cho lợi nhuận gấp nhiều lần trồng rau màu. Đời sống nông dân khá giả, bà con xây dựng thôn xóm khang trang, nuôi con học hành thành đạt.
Đội ngũ cán bộ chủ chốt thôn Vạn Phước hiện nay, từ Bí thư chi bộ đến trưởng, phó Ban quản lý thôn đều là bộ đội xuất ngũ. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, các anh trực tiếp lãnh đạo nhân dân địa phương vươn lên làm giàu trên đồng đất tục danh Hà Dương xưa. Toàn thôn hiện có 702 hộ, với 2.562 nhân khẩu, đời sống nông dân dựa vào nguồn thu nhập chính từ 150 ha đất canh tác nông nghiệp chủ động tưới, trong đó có 99 ha ruộng ba vụ lúa, 12 ha nho, 20,5 ha táo và 18 ha đất trồng màu. Cây nho, cây táo đem lại thu nhập bình quân hàng năm đạt 50- 60 triệu đồng/sào. Nhiều nông hộ phát triển kinh tế gia đình theo mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi dê cừu vỗ béo, bà con tận dụng lá nho, lá táo làm thức ăn cho đàn gia súc.
Năm 2012 vừa qua, thôn Vạn Phước có thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người. Tính đến nay, số hộ nghèo trên địa bàn dân cư chỉ còn 41 hộ, chiếm 5,8%. Số hộ nghèo chủ yếu rơi vào các gia đình già yếu, neo đơn, đông con, hoạn nạn. Các đảng viên Trịnh Quang Thảo, Trần Duy Ngọc, Huỳnh Ngọc Danh…nêu gương sản xuất giỏi, với nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân học tập kinh nghiệm làm theo.
Trước năm 1975, Vạn Phước chỉ có một người tốt nghiệp tú tài và vài ba người học hết chương trình tiểu học. Qua 38 năm thôn xóm thanh bình, đời sống kinh tế phát triển, nông dân Vạn Phước “dồn sức” nuôi con ăn học thành đạt. Tính đến nay, toàn thôn có trên 30 người tốt nghiệp đại học, trong đó có hai thạc sĩ và hàng trăm cháu đang theo học các trường phổ thông, đại học, cao đẳng. Các gia đình Trần Như Lộc, Phan Thành Sĩ, Lê Văn Sáng…là những nông hộ nêu gương sáng tiêu biểu trong phong trào khuyến học, khuyến tài nuôi 2-3 con học đại học.
Đi giữa làng cách mạng Vạn Phước, trong ký ức chúng tôi in đậm hình ảnh những vườn nho chín đỏ, những vườn táo trái chín căng tròn với nụ cười hồn hậu của người quê chất phác thân thương. Vạn Phước vùng đất anh hùng sản sinh những người con kiên trung đang cần mẫn bám đất làm giàu, chung tay xây dựng nông thôn mới phồn vinh.
Thái Sơn Ngọc