Giãn lộ trình điều chỉnh
Theo quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi (có hiệu lực từ 1/5/2013) thì mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Điều này đồng nghĩa với việc mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu từ 1/5/2013.
Tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu cho người lao động ở nước ta chưa bao giờ gặp nhau.
Trong ảnh: Công nhân may tại Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè. Ảnh Hà Thái- TTXVN
Thực tế, năm 2012, do tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và dự báo năm 2013 vẫn còn tiếp tục khó khăn, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2013 với mức tăng 16 - 18% (trước đây dự kiến tăng 35 - 37%). Đối với khu vực hưởng lương từ ngân sách, Chính phủ sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung lên 1,15 triệu đồng từ 1/7/2013 (thay vì điều chỉnh lên 1,3 triệu đồng từ 1/5/2013 như đã trình BCH Trung ương Đảng khóa XI).
Tuy nhiên, nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy, tiền lương tối thiểu luôn luôn “chạy theo” nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Đơn cử, ở khu vực sản xuất kinh doanh, mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng được 62 - 69% nhu cầu sống tối thiểu. Còn ở khu vực hành chính sự nghiệp, tỷ lệ này thậm chí thấp hơn.
Ông Lê Xuân Thành, Vụ phó Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, nếu điều chỉnh mức lương tối thiểu theo đúng lộ trình Kết luận số 23-KL/TW ngày 29/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tức là lương tối thiểu đuổi kịp mức sống tối thiểu vào năm 2015 thì năm 2014 và năm 2015 phải điều chỉnh mức tăng rất lớn, doanh nghiệp khó có thể chịu được. Nếu điều chỉnh để bảo đảm ngay nhu cầu sống tối thiểu của người lao động trong năm 2013 theo quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi thì rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may, da giày sẽ phá sản. Bởi mức tiền lương thực tế của người lao động hiện nay thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu theo tính toán dựa trên tình hình thực tế.
Trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị điều chỉnh từng bước để đến năm 2016, lương tối thiểu đáp ứng kịp nhu cầu tối thiểu của người lao động. Theo phương án này, mức tăng bình quân chung sẽ khoảng 18- 23%/năm tùy theo từng vùng. Trong đó, năm 2014 sẽ tăng 15%, năm 2015 tăng 23-29% và năm 2016 tăng 25-31%. Trong quá trình thực hiện, nếu thuận lợi thì điều chỉnh nhanh hơn.
Giám sát chặt lương khu vực doanh nghiệp
“Tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu cho người lao động ở nước ta chưa bao giờ gặp nhau. Thế nên việc đưa ra mục tiêu tiền lương tối thiểu đuổi kịp mức sống tối thiểu vào năm 2015 xem ra còn viển vông lắm”, TS Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn bày tỏ.
Từ góc nhìn này, ông Đặng Quang Điều đưa ra kiến nghị: Cần tăng cường quản lý tiền lương ở khu vực doanh nghiệp cũng như giám sát định mức lao động do doanh nghiệp đưa ra. “Lâu nay, việc quản lý vấn đề này quá lỏng lẻo. Hầu như chúng ta không quản lý được việc trả lương ở khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Người lao động chỉ còn cách đình công để đàm phán lương”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, cách tính toán mức lương tối thiểu hiện nay có điểm chưa thỏa đáng bởi chưa tính đến yếu tố đặc thù giới tính. Đứng ở góc độ bình đẳng giới, bà Hòa đề xuất: “Cần có những tiêu chí nhất quán và hợp lý để xác định mức sống tối thiểu một cách thỏa đáng. Chẳng hạn, khi tính toán mức sống tối thiểu làm căn cứ cho cách tính mức lương tối thiểu, cần lưu ý đến những đặc thù của lao động nữ”.
Mặt khác, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, cần phải tăng cường năng lực và tính độc lập của công đoàn trong thương lượng tập thể. Thực tế hiện nay, người lao động rất thiệt thòi, bởi công đoàn là do giới chủ trả lương nên sức mạnh trong đàm phán đòi hỏi quyền lợi cho lao động không cao.
Ghi nhận của Vụ Lao động - Tiền lương cho thấy, thời gian qua, vai trò của công đoàn còn hạn chế khiến một số doanh nghiệp dùng mức lương tối thiểu để trả cho lao động có trình độ chuyên môn cao. Trong khi đó, mức lương tối thiểu vẫn còn thấp mà chi phí sinh hoạt thì tăng, đời sống người lao động vẫn khó khăn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng tranh chấp, đình công. Năm 2012 đã xảy ra 506 cuộc đình công mà 80% trong số này là do tiền lương, phụ cấp quá thấp. Bởi vậy, để đạt được đúng lộ trình, ông Lê Xuân Thành cũng cho rằng, các tổ chức công đoàn phải nâng cao vai trò của mình trong việc thương lượng và thỏa thuận tiền lương, để có thể bảo vệ được quyền lợi của người lao động.
Theo một điểm mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi, mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố theo khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia (gồm đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN