Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Sau 3 năm triển khai, nhiều cơ chế, chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn trong Quyết định 1956/QĐ-TTg đã không còn phù hợp, cần phải sửa đổi. Trong các đợt kiểm tra, giám sát thực tế của Ban Chỉ đạo, nhiều vấn đề liên quan đến phạm vi và đối tượng tham gia đề án, chính sách đối với người học, giáo viên, người dạy nghề và cơ sở dạy nghề, các chính sách hỗ trợ sau đào tạo… đã được các địa phương kiến nghị sửa đổi.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên họp Ban chỉ đạo
Trung ương thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn
đến năm 2020” . Ảnh: VGP
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung thêm đối tượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp ở các phường, thị trấn được tham gia Đề án; lao động nông thôn quá tuổi lao động được xem xét hỗ trợ học nghề phù hợp với sức khỏe, yêu cầu của nghề. Mức chi phí đào tạo, chi phí hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ đi lại cũng được nâng lên. Theo đó, đối tượng 1 được hỗ trợ đào tạo 3,5 triệu đồng, đối tượng 2 được hỗ trợ 3 triệu đồng, đối tượng 3 được 2,5 triệu đồng/người/khóa học. Mức hỗ trợ đào tạo cho người tàn tật tham gia học nghề tối đa là 6 triệu đồng/người/khóa học. Mức hỗ trợ tiền ăn được nâng lên mức 30.000 đồng/ngày thực học với đối tượng 1 và 20.000 đồng/ngày với đối tượng 2.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, đối tượng của Đề án tương đối rộng, cần căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội để xem xét lại quy mô của Đề án. Đề án quy định người trong tuổi lao động mới được đào tạo là vô lý bởi nông dân làm nông nghiệp là không có tuổi, cần mở rộng đào tạo nghề với cả những đối tượng đã quá tuổi lao động mà còn sức khỏe. Quan điểm đào tạo là phải theo nhu cầu, song cần điều tra, khảo sát rõ nhu cầu học nghề đó có phù hợp với phát triển kinh tế ở địa phương không; nên ưu tiên đào tạo nghề cho các vùng sản xuất hàng hóa lớn. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ hơn việc tạo vốn cho người sau học nghề, học nghề gì, được vay vốn ở mức nào để có hướng sửa đổi trong Quyết định 1956/QĐ-TTg.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Đã dành tiền cho đào tạo là phải hiệu quả. Để mở các lớp đào tạo, cần phải có quy trình cụ thể, nêu rõ ràng các bước thực hiện và người ký cho mở lớp phải chịu trách nhiệm về việc này; đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng phân cấp cho địa phương để thực hiện cho đủ chỉ tiêu dẫn đến lãng phí, đầu tư sai đối tượng, không thực hiện theo quy trình xác định nghề đào tạo, nhu cầu học nghề của người dân, hiệu quả dạy nghề hạn chế, chất lượng dạy nghề thấp như đã xảy ra ở một số địa phương. Theo Phó Thủ tướng, cần xây dựng sổ tay chương trình dạy nghề lao động nông thôn để hướng dẫn quy trình mở lớp. Đây là cơ sở để lãnh đạo các địa phương xem xét mở lớp đào tạo nghề sao cho phù hợp.
Thống nhất với một số nội dung đề xuất sửa đổi, song, Phó Thủ tướng cho rằng, nên quy định mỗi lao động nông thôn được hỗ trợ học một nghề theo chính sách trong Đề án và phương châm là chỉ học một lần, nếu học lần thứ hai phải có lý do rõ ràng. Lao động nông thôn quá tuổi lao động được xem xét hỗ trợ học nghề nhưng chỉ xem xét với trường hợp đang hành nghề, còn gắn bó với nghề, không xét những đối tượng chuyển đổi nghề. Phó Thủ tướng cũng thống nhất bổ sung thêm đối tượng tham gia Đề án là những lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp ở các xã được nâng cấp lên thành phường nhưng chính sách này không được giữ quá 5 năm. Lao động ở các phường, thị trấn tham gia học nghề để làm nông nghiệp vẫn được Đề án hỗ trợ nhưng nếu làm các nghề thủ công khác thì cần được cân nhắc thêm.
Đánh giá hoạt động điều tra, khảo sát thời gian qua chưa được tốt, Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương hàng năm phải rà soát lại danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn; điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động để có bước đi phù hợp; đồng thời tăng cường công tác tư vấn, tuyên truyền để người dân học nghề xong được làm đúng nghề đã học.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo đôn đốc các địa phương tổng kết tình hình triển khai Đề án trước 15/5 để có cơ sở tổng kết cấp quốc gia vào tháng 6 tới.
Ba năm qua, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã hỗ trợ dạy nghề cho hơn 1 triệu lao động; đào tạo, bồi dưỡng cho 177.000 lượt cán bộ, công chức xã và 1.000 cán bộ quản lý, 2.000 giáo viên nguồn với tổng kinh phí hơn 4.461 tỷ đồng
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam