Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Theo dự thảo báo cáo, các thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản đồng ý với nhiều nội dung của Dự thảo do Quốc hội công bố lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, nội dung của Dự thảo đã kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Đồng thời, đã thể chế hóa kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng về đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong đó, đã xác định rõ: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước, xã hội và các nội dung yêu cầu về việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Tuy nhiên, vẫn có nội dung chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, ngôn ngữ biểu đạt chưa thật sự chính xác; một số điều khoản còn viết giống như nội dung văn kiện của Đảng, diễn đạt dài dòng, sắp xếp chưa thật sự khoa học, logic, chưa thể hiện rõ tính chính trị- pháp lý của Hiến pháp là một đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài.
Về vị trí, vai trò của Đảng quy định tại Điều 4 Dự thảo, các thành viên Ban Chỉ đạo cùng nhất trí với việc quy định rõ Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Các ý kiến cho rằng, đây là vấn đề cốt lõi của chế độ chính trị trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quy định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong Hiến pháp hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn khách quan và ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Liên quan đến thiết chế Hội đồng Hiến pháp quy định tại Điều 12 Dự thảo, có ý kiến đề nghị thay Hội đồng Hiến pháp bằng Hội đồng bảo hiến. Trên thực tế, những nhiệm vụ quyền hạn được quy định tại Khoản 2 Điều 120 Dự thảo đang được quy định giao các cơ quan của Quốc hội. Trong khi, hiện nay chúng ta lại chưa có cơ chế giám sát hoạt động của Quốc hội và giám sát tính hợp hiến của các đạo luật do Quốc hội ban hành. Hình thức kiến nghị thông qua hoạt động giám sát của các cơ quan Quốc hội chưa thực sự đem lại hiệu quả. Vì vậy, cần nghiên cứu thành lập Hội đồng bảo hiến để thực hiện nhiệm vụ này một cách có hiệu quả trên thực tế.
Ở một khía cạnh khác, đa số các ý kiến cho rằng cần xem xét việc có nên thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia như Dự thảo bổ sung hay không? Bởi, với chức năng, nhiệm vụ quy định như Dự thảo thì cơ cấu tổ chức bộ máy như hiện nay đang thực hiện có hiệu quả. Hơn nữa, việc bầu cử đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu HĐND các cấp không phải là hoạt động thường xuyên mà chỉ tiến hành 5 năm một lần và chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu thành lập một cơ quan mới để tiến hành những hoạt động diễn ra không thường xuyên như vậy sẽ lãng phí cả về nguồn lực con người và vật chất.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các nội dung cơ bản quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như Chế độ chính trị; Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Chủ tịch nước; Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân...
Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Cũng tại phiên họp, cho ý kiến về Đề án mô hình tổ chức và họat động của Hội đồng tư pháp Quốc gia, các thành viên Ban Chỉ đạo đều tán thành với sự cần thiết xây dựng Đề án. Các ý kiến cho rằng, để đảm bảo cho hoạt động của TAND đạt hiệu quả và khắc phục được hạn chế đang tồn tạo hiện nay là chưa bảo đảm tốt tính độc lập tư pháp trong hoạt động của Tòa án và Thẩm phán, cần thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia để hỗ trợ, thúc đẩy Tòa án thực hiện nguyên tắc này.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chủ tịch nước cho rằng đây là những ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm, với mong muốn góp phần hoàn thiện bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chủ tịch nước đề nghị, Ban thường trực tiếp thu ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo hoàn thiện, chỉnh lý báo cáo. Đối với những ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung những nội dung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ban thường trực khi hoàn thiện báo cáo cần có lập luận cụ thể, thấu đáo, tạo điều kiện để Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp thu.
Về chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo trong năm 2013, Chủ tịch nước đề nghị khẩn trương triển khai chương trình tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; thảo luận thông qua các đề án về cơ sở vật chất của ngành Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và đề án thống nhất quản lý công tác thi hành án, đề án chống tiêu cực trong khối tư pháp/.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam