Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: Thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội

(NTO) Năm 2003, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh được thành lập trên cơ sở Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Ban đầu chỉ thực hiện một chương trình tín dụng cho hộ nghèo vay, sau 10 năm hoạt động, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã mở rộng 9 chương trình tín dụng cho vay, mạng lưới tín dụng phủ đều đến tất cả các thôn, khu phố trong tỉnh, vì vậy đã tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay, vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo.

Ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực của các tổ chức chính trị xã hội đã tạo thuận lợi để Chi nhánh NHCSXH tỉnh đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo kịp thời, đúng đối tượng. Với việc triển khai nhiều chương trình tín dụng đã tạo cơ hội cho người nghèo đầu tư phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống… Ở tỉnh ta, đối tượng thụ hưởng chính sách từ nguồn vốn vay NHCSXH chiếm tỷ lệ cao, chủ yếu là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Để nguồn vốn đến với hộ nghèo và phát huy hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn, cùng với việc hình thành 65 điểm giao dịch, đặt tại 65 xã, phường, thị trấn, Chi nhánh NHCSXH tỉnh còn xây dựng mạng lưới các tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả các thôn, khu phố.

 
Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh hướng dẫn phụ huynh làm hồ sơ vay vốn.
Ảnh: Văn Miên

Hiện nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang áp dụng phương thức cho vay trực tiếp có uỷ thác một số khâu tác nghiệp cho 4 tổ chức chính trị xã hội, bao gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc bình xét chọn đối tượng cho vay bảo đảm tính dân chủ, công khai dưới sự chủ trì và kiểm soát của chính quyền cấp xã. Việc tổ chức và triển khai chính sách tín dụng ưu đãi từ cho vay, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm được NHCSXH thực hiện trực tiếp tại UBND xã, phường. Phương thức hoạt động này ví như “Ngân hàng xã lưu động“ đã tiết giảm tối đa chi phí cho người vay, thuận tiện trong giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận được với dịch vụ tài chính tín dụng, nhất là hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong 10 năm qua, tổng nguồn vốn tín dụng huy động để đầu tư cho các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn là 1.091,3 tỷ đồng, gấp gần 18 lần so với năm 2002. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương là 1.039,3 tỷ đồng, chiếm 95,24%; nguồn vốn ngân sách địa phương là 18,16 tỷ đồng, chiếm 1,66%. Từ một chương trình cho hộ nghèo vay, đến nay Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã mở rộng thực hiện 9 chương trình tín dụng ưu đãi, bao gồm: Cho hộ nghèo vay vốn, cho vay vốn giải quyết việc làm; cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay; cho xuất khẩu lao động vay, cho hộ gia đình sản xuất-kinh doanh vùng khó khăn vay; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay; cho hộ nghèo về nhà ở vay; cho thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn vay.

 
Từ nguồn vốn của NHCSXH, các hộ nghèo huyện Thuận Nam
đầu tư vào nuôi bò vỗ béo, nâng cao kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo.

Công tác giải ngân và thu nợ vay do NHCSXH trực tiếp thực hiện đến người vay, không qua cấp trung gian nhằm hạn chế tiêu cực, thất thoát vốn. Mạng lưới quản lý vốn được triển khai đến tận thôn, khu phố với sự tham gia của Ban quản lý các thôn, khu phố và 1.709 Tổ trưởng tổ vay vốn, chủ yếu là cán bộ các chi hội hoặc trưởng thôn trực tiếp quản lý, hướng dẫn người vay vốn thực hiện các quy định, quy trình của ngân hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng còn có mạng lưới cộng tác viên tại 65 xã, phường, thị trấn làm nhiệm vụ đầu mối tham mưu cho Ban giảm nghèo xã, phường, vừa phối hợp với ngân hàng trong việc quản lý và điều hành chính sách tín dụng. Việc xây dựng các tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, khu phố và uỷ thác cho vay thông qua 4 tổ chức Hội, đã tác động tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả để vươn lên, phát huy tính cộng đồng thông qua sự tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong tổ; đồng thời cũng giúp cho các tổ chức Hội có điều kiện giúp đỡ các hội viên về kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi vươn lên thoát nghèo.

Qua 10 năm, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã cho 216.385 lượt hộ vay vốn, với doanh số cho vay là 1.686,9 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 677,9 tỷ đồng. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình trên 1.087 tỷ đồng, với 102.490 món vay, với 73.880 hộ và cơ sở SXKD còn dư nợ, gấp 18 lần so với năm 2002. Nguồn vốn cho vay tập trung ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi, các xã đặc biệt khó khăn. Tổng dư nợ cho vay tại các xã vùng khó khăn là 397,61 tỷ đồng, với 37.259 hộ vay; dư nợ cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên 307 tỷ đồng, với 27.441 hộ vay. Thông qua nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi từ NHCSXH, đã góp phần tạo điều kiện 32.235 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho 69.934 lao động; gần 30 ngàn HSSV nghèo được vay vốn để đi học; 33.841 hộ cải thiện được chất lượng cuộc sống từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường; 6.880 hộ nghèo có nơi ở ổn định qua vay vốn xây dựng nhà ở.

Để tạo thói quen tiết kiệm cho người nghèo, NHCSXH đã triển khai dịch vụ huy động tiết kiệm của người nghèo thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn với mức tiền gửi tuỳ theo khả năng của người nghèo. Việc gửi tiền được thực hiện ngay tại tổ tiết kiệm và vay vốn rất thuận tiện cho người nghèo. Thông qua nguồn tiền gửi tiết kiệm này, hộ nghèo có nguồn tài chính nhất định để trả lại nguồn vốn vay khi đến kỳ hạn trả vốn cho ngân hàng. Nguồn vốn huy động này được bổ sung vào nguồn vốn cho vay của NHCSXH để đầu tư trở lại cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Việc triển khai kịp thời các chương trình tín dụng đến đúng đối tượng nên số hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được hưởng thụ nguồn vốn ưu đãi không ngừng nâng lên từ 23 ngàn hộ (năm 2002) đến nay đã đã tăng lên 73,88 ngàn hộ, chiếm 50% số hộ. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước và phát huy tinh thần nội lực, nhiều hộ nghèo trong tỉnh đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, có điều kiện hỗ trợ lại những hộ nghèo ổn định cuộc sống.

Với tinh thần vượt khó của cán bộ, viên chức Chi nhánh Ngân hàng NHCSXH tỉnh và sự hợp lực của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về Tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã góp phần cùng tỉnh nhà thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.