Khắc phục yếu kém, tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút đầu tư

Bên cạnh việc khẳng định những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài 25 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu yêu cầu cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ khắc phục những yếu kém để tạo được môi trường thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu có giải pháp tổng thể khắc phục hạn chế, bất cập
nhằm tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Sáng 27/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đồng chủ trì Hội nghị.

Cần giải pháp tổng thể, đồng bộ khắc phục yếu kém

Hội nghị đã nghe Báo cáo đánh giá tổng kết 25 năm thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các báo cáo, tham luận của đại diện các Bộ, ngành, địa phương và ý kiến của nhiều đại biểu.

Các ý kiến tại Hội nghị hết sức thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm trong việc phân tích, đánh giá những thành tựu đã đạt được để phát huy, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, làm rõ thêm những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ và nêu bài học kinh nghiệm trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Việt Nam đã trở thành địa điểm được ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tin cậy, lựa chọn đầu tư, kinh doanh hiệu quả, lâu dài”.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thực tiễn 25 năm qua cho thấy việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một chủ trương đúng đắn, đã góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.

Bên cạnh khẳng định những kết quả tích cực đã đạt được, Thủ tướng cũng nêu rõ những yếu kém, hạn chế cần phải ra sức khắc phục trong lĩnh vực này, trong đó nổi lên là tỷ trọng ĐTNN trong các lĩnh vực vẫn còn mất cân đối lớn; giải ngân vốn đầu tư chậm; hiệu quả tổng hợp đầu tư nước ngoài chưa cao; đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ mới chiếm tỷ lệ thấp; đầu tư vào công nghiệp phụ trợ còn ít; tác động phát triển lan tỏa của ĐTNN chưa cao.

Từ đó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tất cả những hạn chế, bất cập này đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, tổng thể để sớm khắc phục trong thời gian tới”.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực tập trung thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; phát triển nhanh và bền vững gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; thực hiện các đột phá chiến lược.

Trong tiến trình này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút và sử dụng hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài, tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường, cải cách thủ tục hành chính, hệ thống tài chính, ngân hàng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, khắc phục các yếu kém về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội để thu hút đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả hơn…

Nhiệm vụ trọng tâm

Để thực hiện tốt mục tiêu tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ĐTNN, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần phải nỗ lực thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về đầu tư theo hướng thuận lợi và có tính cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực; tạo môi trường thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư.

Đồng thời, có chính sách ưu đãi cao, đủ sức hấp dẫn đối với một số dự án hạ tầng kinh tế, xã hội có quy mô lớn, có tính lan toả và tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án hợp tác công - tư (PPP), bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư đối ứng cho các dự án PPP này. Bổ sung quy định về tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao với các ưu đãi phù hợp, có tính đến nhóm các dự án công nghệ cao có doanh thu, kim ngạch xuất khẩu hàng năm lớn và sử dụng nhiều lao động. Rà soát, bổ sung cơ chế phát triển công nghiệp hỗ trợ, thị trường vốn, thị trường tài chính…

Ban hành quy định rõ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và giới hạn đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường. Yêu cầu doanh nghiệp phải công khai một số thông tin liên quan về phát thải.

Thủ tướng nhấn mạnh cần tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, có quy hoạch và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác với các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam gắn với kế hoạch đào tạo cán bộ thay thế trong nước.

Tập trung hoàn thiện quy hoạch phát triển trên các lĩnh vực, trước hết là quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Công bố rộng rãi các quy hoạch đã được phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thông tin về quy hoạch để xây dựng kế hoạch, dự án đầu tư.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Hoạt động xúc tiến đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước; có sự điều phối thống nhất trong cả nước, tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến, tránh chồng chéo, cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương.

Cuối cùng, cần hoàn thiện cơ chế phân cấp và công tác cấp chứng nhận đầu tư; phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương với địa phương để hạn chế thấp nhất những sai sót trong thu hút đầu tư, gây phương hại đến lợi ích chung của đất nước. Các cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần thường xuyên nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, nhất là việc tạo thuận lợi trong lĩnh vực cấp phép và giải quyết thủ tục hành chính.

Với các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam cam kết sẽ cùng các nhà đầu tư nước ngoài chung tay vượt qua thách thức, khó khăn, cùng nhau chia sẻ lợi ích và chúng ta cùng thành công”.

Nguồn www.chinhphu.vn