Học trước chương trình ảnh hưởng tâm lý trẻ

Đó là khẳng định của lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học và Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo tại cuộc trao đổi với báo chí chiều 25-3.

Năm nào cũng vậy, tình trạng “chạy trước chương trình” của các bé mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1 luôn là vấn đề “nóng” được nhiều người quan tâm mỗi dịp hè. Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Phạm Ngọc Định, việc “chạy trước chương trình” của trẻ lớp 1 một phần do tâm lý không yên tâm của phụ huynh, cộng thêm sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận giáo viên. Một số phụ huynh thích con mình học vượt trội các bạn nên đã cố tình để con luyện chữ, luyện đọc trước khi vào lớp 1. Bên cạnh đó, do sĩ số lớp quá tải và do thiếu trách nhiệm nên có không ít giáo viên đã dạy lướt chương trình, khiến cho những trẻ không theo học trước gặp khó khăn khi bước vào lớp 1.

Ảnh minh họa. Nguồn laodong.com.vn

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Thị Hiếu cho biết: Ở bậc học mầm non, trước khi vào lớp 1, các bé đều được làm quen với chữ cái, một số trường có điều kiện còn cho trẻ tới thăm các lớp cấp 1 để trẻ dần quen với môi trường học tập. Lứa tuổi mầm non là lứa tuổi phát triển thể chất và tinh thần dựa trên các hoạt động vui chơi, các bé cảm nhận và phát triển các kỹ năng thông thường qua các hoạt động ngoài trời, giao tiếp với bạn bè.

Thực tế, nếu ép trẻ học quá sớm, về tâm lý nếu trẻ chưa tiếp thu kịp sẽ khiến trẻ sợ học, chán học, nếu trẻ học nhanh thì khi vào lớp 1 dễ dẫn đến tâm lý chủ quan. Nhiều trẻ khi thấy mình học nhanh hơn bạn bè thì thường ỷ lại, không chịu cố gắng và nhiều trẻ sau 1 học kỳ lại tụt hậu so với các bạn. Ngoài ra, nếu dạy sớm không đúng cách sẽ dễ dẫn đến các tật bệnh học đường như cong vẹo cột sống, cầm bút sai quy cách, cận thị... và khi trẻ đã hình thành thói quen sai từ nhỏ thì cô giáo sẽ rất khó sửa giúp các em. Mỗi độ tuổi cần có sự giáo dục khác biệt, không thể dạy sớm mà cũng không thể dạy muộn. Việc dạy đúng, dạy phù hợp với sự phát triển của trẻ mới giúp trẻ phát triển bình thường, tiếp thu kiến thức hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc quỹ đất có hạn cũng là một hạn chế mà các thành phố lớn đang gặp phải hiện nay trong việc giải quyết địa điểm học cho học sinh, nhất là học sinh cấp 1. So với quy định chỉ 35 học sinh/lớp thì việc có nhiều lớp số lượng học sinh lên tới 40-50 thậm chí 60 em sẽ gây áp lực lớn lên giáo viên. Do vậy, muốn giải quyết vấn đề triệt để cần có sự hỗ trợ lớn từ phía các địa phương, có kế hoạch quy hoạch đất cho các trường học, tổ chức dạy 2 buổi/ngày... Ngoài ra, giáo viên cũng cần phối hợp với phụ huynh cùng kèm cặp, hướng dẫn cách dạy dỗ học sinh thích hợp theo từng lứa tuổi.

Vụ trưởng Phạm Ngọc Định cũng khẳng định, áp lực ở lớp 1 đối với trẻ em về điểm số hoàn toàn không có, giáo viên không được chấm điểm cho học sinh ở độ tuổi này. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều giáo viên chấm điểm học sinh, dẫn đến áp lực điểm số cho các em. Nhiều em mới đi học đã nhận điểm kém nên tâm lý chán học, phụ huynh lo lắng dẫn đến “chạy trước chương trình” để đạt điểm cao. Ngoài ra, việc một số trường mầm non có tổ chức dạy ghép vần là sai quy định và Vụ Tiểu học sẽ cùng phối hợp với Vụ Giáo dục mầm non để tăng cường quản lý, không cho phép vi phạm quy chế dạy thêm học thêm, không dạy trước học trước. Dự kiến, Bộ sẽ có các chế tài cụ thể hơn để xử lý các vi phạm này.

Nguồn Báo Tin tức -TTXVN