Chấp hành ATGT là tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức

Xác định rõ việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên và là một tiêu chuẩn đánh giá xếp loại đạo đức của học sinh, sinh viên.

 

(Ảnh: Chinhphu.vn)

Đây là nội dung quan trọng đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Chỉ thị 18/CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” tổ chức ngày 25/3.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Sau 9 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 24/2/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã có nhiều chủ trương, giải pháp, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực. Tình hình trật tự, an toàn giao thông có chuyển biến, tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Tuy nhiên, tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông còn diễn ra phức tạp; tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và mức độ nghiêm trọng, nhất là số người chết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng. Tai nạn và ùn tắc giao thông đường bộ vẫn đang là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và hình ảnh của đất nước Việt Nam.

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông còn yếu kém. Kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp về kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông còn hạn chế; việc phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan chức năng về bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa hợp lý, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong công tác này; lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vừa thiếu, vừa yếu về năng lực.

Phát biểu tại Hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh khẳng định những kết quả quan trọng đạt được thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, công tác này cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như số người chết, người tai nạn vẫn ở mức cao, nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, ùn tắc giao thông xảy ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cho rằng, vẫn còn một số cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo công tác này. Các giải pháp thực hiện chưa thường xuyên, quyết liệt nên hiệu quả còn thấp, phương tiện tham gia giao thông lại tăng nhanh trong khi kết cấu hạ tầng giao thông không đáp ứng được; việc phân công, phân cấp có mặt chưa hợp lý, lực lượng thiếu, một số người tham gia công vụ còn tiêu cực, vi phạm quy trình công tác…

Bên cạnh đó, việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm, một số quy định và biện pháp nghiệp vụ nên chưa tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Trên cơ sở đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tăng cường quản lý nhà nước, thực sự xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các ngành, các cấp. Do đó, cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể với các giải pháp đồng bộ để Chỉ thị đi vào cuộc sống.

“Xác định rõ việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên; là một tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên”, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh chỉ rõ.

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, địa phương đã thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế và kiến nghị các vấn đề quan trọng để Chỉ thị phát huy tác dụng.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Chiến Thắng nhận khuyết điểm và hình thức kỷ luật do để xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng trên địa bàn, làm nhiều người chết. Bên cạnh đó, cũng đề xuất đưa kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hoá vào loại hình kinh doanh đặc biệt, có gắn thiết bị định vị toàn cầu (GPS) để kiểm tra, ngăn chặn, điều hành trong quá trình phương tiện tham gia giao thông.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng, những năm qua, TPHCM luôn xem công tác này là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, thực hiện nghiêm túc và triển khai các chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm giảm TNGT và ùn tắc giao thông.

Năm 2012, TNGT ở TPHCM tuy có giảm so với năm 2011 nhưng số người chết, bị thương vẫn còn cao. TPHCM đã đầu tư 3.600 tỷ đồng cho nâng cao kết cấu và hạ hầng giao thông. Bên cạnh đó, nhiều nhóm giải pháp đều được nghiên cứu, vận dụng cho phù hợp với tình hình cụ thể của thành phố.

Tuy nhiên, trong khi hạ tầng giao thông còn hạn chế thì số lượng phương tiện xe cơ giới ngày càng tăng nhanh. Đến nay, thành phố có 6,2 triệu ôtô và xe máy. Bình quân 2 hộ gia đình có 1 ô tô và 1 hộ dân có 3 xe máy.

Nguồn www.chinhphu.vn