Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật Tiếp công dân gồm 10 chương với tổng số 71 điều, quy định về việc tổ chức công tác tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo; kiến nghị, phản ánh của công chức tiếp công dân; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của trụ sở tiếp công dân; quản lý công tác tiếp công dân; điều kiện bảo đảm hoạt động tiếp công dân; khen thưởng và xử lý vi phạm trong công tác tiếp công dân.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh: Mặc dù trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành một số văn bản pháp luật có quy định về hoạt động tiếp công dân như: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011 và các nghị định quy định chi tiết một số điều của các luật nói trên, nhưng nội dung và cách thức tổ chức tiếp công dân theo các văn bản quy phạm pháp luật này và nhiều quy định pháp luật khác vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Do vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Tiếp công dân là cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn và cho rằng, dự thảo Luật Tiếp công dân do Chính phủ trình lần này thực tế mới chỉ pháp điển hóa một phần các quy định hiện có về công tác tiếp công dân (chủ yếu là việc tiếp công dân tại các cơ quan hành chính nhà nước). Nhiều quy định trong dự thảo Luật chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức và hoạt động tiếp công dân như đã nêu trong quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật này. Với những quy định như vậy, khó có thể khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức tiếp công dân hiện nay.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, Thường trực Ủy ban pháp luật nhận thấy, quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật như vậy là chưa phù hợp, chưa bao quát hết các vấn đề cần quy định, chưa làm rõ được nội dung cơ bản của hoạt động tiếp công dân; bên cạnh đó, còn có những điểm trùng lặp với các luật khác (như Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo khi cùng quy định về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, người tố cáo, quy trình xử lý khiếu nại, tố cáo...).
Đánh giá về công tác tiếp dân trong thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, công tác này tuy có nhiều kết quả tích cực song vẫn chưa đạt yêu cầu. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần làm rõ, khi dự thảo Luật được ban hành, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân có chuyển biến không, có tốt hơn, hiệu quả hơn hiện tại hay không? Vì vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, cần đánh giá cụ thể, rõ ràng tác động của Luật này với hiệu quả trong thực tiễn.
Về nội dung của công tác tiếp công dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, dự án Luật cần làm rõ được sự khác nhau giữa tiếp công dân để giải quyết và tiếp công dân để tiếp nhận, nghe phản ánh (giám sát). Chủ tịch Quốc hội cho rằng, “tiếp công dân để giải quyết thì trách nhiệm phải đến cùng”. Những quy định về tiếp công dân như trong dự thảo Luật giữa các cơ quan hành pháp, tư pháp và cơ quan dân cử chưa có sự khác nhau nhiều, cần phải làm rõ sự khác nhau này.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, dự thảo Luật cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của Luật này đối với cơ quan Đảng thế nào, cơ quan Nhà nước thế nào. Mặt khác, cần quy định rõ công tác tiếp dân của các cơ quan Quốc hội một phần đã được thể hiện trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, tránh sự nhầm lẫn và trùng lắp giữa hoạt động tiếp dân của cơ quan dân cử với cơ quan hành pháp, tư pháp. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, nên có giải trình trong Luật này về địa vị pháp lý và thẩm quyền của cơ quan giải quyết tiếp nhận công dân của cơ quan hành pháp. Chẳng hạn: Phải nói rõ, ở địa phương, thẩm quyền giải quyết là Chủ tịch UBND; đồng thời, cần làm rõ vai trò hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.
Từ thực tiễn việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân thời gian qua có lúc còn tràn lan, chưa “đúng nơi, đúng chỗ”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị, cần bổ sung quy định nghĩa vụ của người đi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cần đến đúng các địa điểm tiếp dân theo quy định.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của người đi khiếu nại tại khoản 2, Điều 9 và Điều 10 Dự thảo. Có như vậy, việc tiếp công dân mới đi vào quy củ, giảm thiểu những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng nhiều như thời gian qua./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam