Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Năm 2012 và 2 tháng đầu năm 2013, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội trên địa bàn vẫn thu được nhiều kết quả quan trọng.
Kinh tế tiếp tục ổn định, tốc độ tăng trưởng đạt 7,1%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 20,6 triệu đồng. Giá trị sản xuất nông, lâm ngư nghiệp tăng khá, riêng sản lượng lương thực đạt 28,4 vạn tấn, cao nhất từ trước tới nay.
Năm 2012, lần đầu tiên Quảng Bình vượt ngưỡng 1 triệu khách du lịch, trong đó có 32 ngàn khách quốc tế, doanh thu tăng 16%.
Năm 2013, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình xác định nhiệm vụ trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, tích cực chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2013. Ưu tiên tín dụng cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục thực hiện hiệu quả và đồng bộ các nội dung Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Hơn 13.700 hộ dân hiến đất xây dựng nông thôn mới
Sau 2 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhận thức của các cấp, các ngành đã được chuyển biến rõ rệt.
Đến nay, toàn bộ 141 xã trong tỉnh đã phê duyệt xong quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, phần lớn các xã đã công bố quy hoạch, cắm mốc chỉ giới, phê duyệt chi tiết trung tâm xã…
Phong trào hiến đất, hiến tài sản giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông nông thôn, thủy lợi được nhân dân tự nguyện tham gia rất tích cực. Toàn tỉnh có hơn 13.785 hộ dân tự nguyện hiến hơn 972 ngàn m2 đất; phá dỡ hơn 213 ngàn m hàng rào... tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Về phát triển sản xuất, toàn tỉnh có hơn 426 mô hình hiệu quả được nhân rộng.
Qua hai năm thực hiện, tổng nguồn vốn huy động cho chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là 1.237 tỷ đồng, bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn tín dụng, huy động doanh nghiệp, nhân dân đóng góp và các nguồn vốn lồng ghép.
Toàn tỉnh có 1 xã đạt 17/19 tiêu chí, 5 xã đạt 13-16 tiêu chí, 16 xã đạt 10/12 tiêu chí, 83 xã đạt 5-9 tiêu chí.
Mô hình tiêu biểu về sắp xếp, đổi mới nông lâm trường
Theo đề án sắp xếp nông, lâm trường quốc doanh, tỉnh Quảng Bình có 4 đơn vị thực hiện sắp xếp lại gồm Công ty Lâm công nghiệp Long Đại, Công ty Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình, Công ty Cao su Việt Trung và Công ty Lệ Ninh.
Nhìn chung, sau sắp xếp, các nông lâm trường đã cơ bản tách bạch được nhiệm vụ công ích với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của từng thành viên trong công ty, nhất là đối với các đơn vị thuộc lĩnh vực lâm nghiệp.
Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty sau sắp xếp tăng trưởng khá, hoàn thành nghĩa vụ ngân sách. Vốn nhà nước được bảo toàn và tăng trưởng cao. Năm 2012, doanh thu của 4 công ty đạt gần 647 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 53 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 35 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 3,5 triệu đồng/tháng.
Tổng kết mô hình để ban hành chính sách
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh biểu dương nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu của năm 2012, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt ở mức cao so với cả nước.
“Đây là tiền đề rất quan trọng để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 và những năm sắp tới”, Phó Thủ tướng nói.
Đồng tình với những chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 được tỉnh Quảng Bình xác định, Phó Thủ tướng đề nghị địa phương cần tăng cường tìm hiểu khó khăn của doanh nghiệp từ đó có những giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên cơ sở các gói giải pháp tổng thể đã được Chính phủ ban hành.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Quảng Bình cần làm tốt hơn công tác quản lý giá, quản lý thị trường; chăm lo tốt đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Phó Thủ tướng cho rằng Quảng Bình nên có các chương trình, chiến lược thu hút du lịch một cách bài bản nhằm phát huy tối đa lợi thế của địa phương.
Nhấn mạnh tính hiệu quả, hợp lý của mô hình chuyển đổi, sắp xếp nông lâm trường quốc doanh tại Quảng Bình, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng việc tỉnh đã thực hiện đúng tinh thần của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng đề nghị cùng với việc khẳng định hiệu quả của mô hình, trước mắt cần tiếp tục phát huy hiệu quả sẵn có, gắn kết vườn cây với cơ sở chế biến, gắn đời sống của người dân với quyền lợi và trách nhiệm bảo vệ rừng. Bên cạnh đó cũng cần thực hiện tốt hơn công tác phân loại rừng để có mô hình quản lý phù hợp, hiệu quả.
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương cần nhanh chóng tổng kết, nghiên cứu, để ban hành cơ chế chính sách phù hợp trong lĩnh vực này, đặc biệt là các chính sách đối với rừng nghèo kiệt, khai thác rừng tự nhiên, cơ chế với đất đai, chính sách thuế, tiền thuê đất, cổ phần hóa.
Đối với công tác xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng cho rằng tuy mới triển khai thực chất được hơn 2 năm, nhưng tỉnh đã triển khai và quán triệt được nhận thức trong cán bộ, Đảng viên và mỗi người dân.
“Việc 1 xã của tỉnh Quảng Bình không thuộc diện làm điểm của trung ương nhưng đạt tới 17/19 tiêu chí là rất đáng khích lệ, đặc biệt trong bối cảnh địa phương thường xuyên bị thiên tai tàn phá, lại bắt tay vào xây dựng nông thôn mới từ xuất phát điểm thấp. Kết quả này thể hiện quyết tâm, sự quan tâm chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp”, Phó Thủ tướng nói.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Quảng Bình cần phát huy hơn nữa hiệu quả của các mô hình mới nhằm tiếp tục phát triển sản xuất một cách bền vững.
Với đặc thù thường xuyên chống chọi với thiên tai, tỉnh cần cân nhắc, tính toán một cách hợp lý, đảm bảo chất lượng, tiến độ các công trình hạ tầng.
Khẳng định Trung ương sẽ cố gắng để huy động và phân bổ nguồn lực cho các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Quảng Bình cần chủ động trong việc huy động nguồn lực, tránh huy động quá sức từ người dân.
Nguồn www.chinhphu.vn