Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, học sinh, sinh viên, cộng đồng chia sẻ các sáng kiến trong hợp tác vì nước, và thảo luận các vấn đề liên quan đến giáo dục, ngoại giao, quản lý nước xuyên biên giới, hợp tác tài chính, khung chính sách quốc gia và quốc tế và mối liên kết giữa quản lý tài nguyên nước tới các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Ngày nước thế giới 2013 tại Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà tài trợ, học sinh, sinh viên và người dân về chia sẻ - hợp tác vì nước. Trong đó nhấn mạnh, tầm quan trọng của hợp tác vì nước (xóa đói giảm nghèo, công bằng và an ninh xã hội, phát triển kinh tế, gìn giữ nguồn nước, bảo vệ môi trường); Các thách thức trong hợp tác vì nước (nhu cầu sử dụng nước, số lượng và chất lượng nước, phát triển cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu, lợi ích kinh tế và nhu cầu tài chính); Lợi ích của hợp tác vì nước (tiết kiệm chi phí, phát triển công nghệ, quản lý lũ, hợp tác vùng, huy động nguồn lực, bảo vệ hệ sinh thái, giảm thiểu rủi ro); Thúc đẩy hợp tác vì nước (phương pháp tiếp cận đa cấp, phát huy các sáng kiến, xây dựng bộ công cụ thúc đẩy hợp tác vì nước bao gồm khung pháp lý và thể chế, trao đổi thông tin, cùng giám sát và đánh giá, cơ chế giải quyết xung đột, chia sẻ chi phí và lợi ích, công cụ tài chính).
Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của đất nước. Hiện nay, nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước, sự cạnh tranh gây gắt về nước và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sẽ trở nên khó khăn hơn nếu không có những cơ chế, chính sách chia sẻ nguồn nước một cách hợp lý và có những thay đổi hợp lý trong quản lý và sử dụng tài nguyên nước.
Nguyễn Sĩ Thoại