Phóng viên: Xin đồng chí cho biết tình hình dịch cúm gia cầm ở tỉnh ta tại thời điểm hiện nay?
- Đồng chí Nguyễn Văn Cư: Toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm khoảng 1,72 triệu con; trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Ninh Phước, gần 540 ngàn con. Đến thời điểm hiện nay trên toàn tỉnh không có ổ dịch nào. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới. Đó là, thời tiết năm 2013 diễn biến phức tạp, mùa mưa kết thúc sớm, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch khá lớn làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm. Việc chăn nuôi tái đàn sau Tết, chuyển đồng trong vụ đông - xuân, vận chuyển tiêu thụ gia cầm cũng làm nguy cơ phát tán bệnh. Mặt khác, tập quán chăn nuôi của nông dân tỉnh ta phổ biển là nhỏ lẻ, phân tán khó kiểm soát, người chăn nuôi chưa tích cực tham gia vào các biện pháp tổng hợp về công tác phòng, chống dịch cúm. Trong khi đó, năm 2012 do chưa có chủng loại vắc-xin phù hợp nên tỉnh ta chưa thực hiện công tác tiêm phòng.
Phóng viên: Trước nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm cao, ngành có biện pháp ngăn chặn như thế nào?
- Đồng chí Nguyễn Văn Cư: Để chủ động khống chế và ngăn chặn dịch cúm, hạn chế đến mức thấp nhất các ổ dịch có thể bùng phát, ngăn ngừa lây lan ra diện rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Phương án phòng, chống bệnh cúm gia cầm, tăng cường công tác kiểm dịch, vận chuyển, kiểm soát giết mổ. Tiêu độc, sát trùng và kiểm tra kỹ lâm sàng gia cầm vận chuyển qua trạm, chốt. Nếu phát hiện gia cầm chết tiến hành xử lý ngay, đồng thời giám sát lượng gia cầm còn lại đưa vào khu cách ly gần nhất để tiếp tục theo dõi; kiểm tra tất cả các phương tiện vận chuyển nhằm phát hiện các thương lái giết mổ gia cầm tại vùng dịch đem vào địa bàn tỉnh tiêu thụ.
Phóng viên: Trường hợp bùng phát bệnh thì xử lý ra sao?
- Đồng chí Nguyễn Văn Cư: Nhanh chóng khoanh vùng dịch trong phạm vi bán kính 3 km. Cấm vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm vào nơi vùng có dịch. Thành lập các chốt kiểm dịch ở các trục giao thông chính ra vào vùng có dịch, lập biển báo vùng đang có dịch. Tiêu hủy toàn bộ gia cầm mắc bệnh, không chờ kết quả xét nghiệm, không chữa trị. Tiến hành tẩy rửa, vệ sinh tiêu độc, khử trùng dụng cụ chăn nuôi, chuồng trại, cơ sở giết mổ, buôn bán gia cầm. Tổ chức tiêm phòng vắc-xin bao vây toàn bộ gia cầm trong vùng đệm bán kính 5 km từ ngoài vào trung tâm ổ dịch. Vận động các tổ chức, cá nhân chăn nuôi khi phát hiện bệnh cúm gia cầm phải báo ngay cho thú y cơ sở, chính quyền địa phương, thực hiện “5 không”: Không nuôi thả rông gia cầm, không mua bán gia cầm bị bệnh, không vứt xác gia cầm bừa bãi…
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí.
Tuấn Anh