Kỷ niệm 103 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3) và 1.973 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng:

Phụ nữ Ninh Thuận phát huy truyền thống, góp phần làm rạng rỡ quê hương, đất nước

(NTO) Cách đây 103 năm, Đại hội Phụ nữ quốc tế họp tại Co-pen-ha-ghen (thủ đô nước Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8-3 hàng năm làm ngày Quốc tế Phụ nữ. Ngày 8-3 từ đó đã trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, trở thành một sự kiện có ý nghĩa trường tồn đối với cuộc đấu tranh vì bình đẳng và phát triển của một nửa nhân loại.

Lịch sử truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam ta cũng gắn liền với những tấm gương chói lọi của những người phụ nữ. Mùa xuân năm 40, hai nữ anh hùng Trưng Trắc và Trưng Nhị đã phất cao cờ khởi nghĩa, lãnh đạo nhân dân ta đứng lên lật đổ ách thống trị của nhà Đông Hán. Đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên do phụ nữ lãnh đạo, tuy chỉ tồn tại được trong thời gian ngắn nhưng đã gây được tiếng vang, làm cho kẻ thù khiếp sợ. Và cũng từ đấy, suốt chặng đường dài đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc luôn xuất hiện những tấm gương hy sinh dũng cảm của phụ nữ. Họ luôn là những người chiến sĩ, người mẹ, người vợ dũng cảm, đảm đang, giỏi việc nước, đảm việc nhà. Trong công cuộc đổi mới đất nước ngày nay phụ nữ lại tiếp tục phát huy những phẩm chất tốt đẹp, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ kính yêu “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta từ trẻ đến già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ.”

 
Phụ nữ xã Phước Thái (huyện Ninh Phước) thi đua sản xuất, nâng cao đời sống gia đình
góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh: Sơn Ngọc

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, suốt chặng đường dài đầy cam go, gian khổ, ác liệt, hy sinh ấy không thể không kể đến những đóng góp to lớn của chị em phụ nữ Ninh Thuận, cùng với cả nước lập nên những chiến công vẻ vang .Từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn ra thành thị, đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ chiến đấu dũng cảm, chấp nhận gian khổ, hy sinh, không sợ bắt bớ, tù đầy, tra tấn, chị em phụ nữ đã tích cực tham gia vào các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống dồn dân, bắt lính, phá ấp chiến lược, tham gia vào các đội vũ trang, tự vệ đánh địch, diệt ác, tải đạn cho chiến trường… Dù phải chịu đựng muôn vàn gian khổ, hy sinh, phụ nữ vẫn luôn dũng cảm, đảm đang, âm thầm góp công góp sức mình vào thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Truyền thống ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho phụ nữ hôm nay trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Ninh Thuận nói riêng tuy còn nhiều mối lo toan trong cuộc sống, trách nhiệm với gia đình, nhưng vẫn luôn là lực lượng sáng tạo, cần cù, chịu thương, chịu khó để luôn vượt qua những khó khăn, thử thách, hăng hái lao động, sản xuất, công tác, nuôi dạy con, chăm lo cho cho tổ ấm gia đình, góp phần quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Năm 2012 đã đi qua với nhiều thành tựu và dấu ấn đáng nhớ, đối với cán bộ, hội viên phụ nữ là thành công của Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI. Các cấp Hội trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo việc học tập và triển khai Nghị quyết Đại hội đến cán bộ, hội viên, phụ nữ trong toàn tỉnh. Phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, rèn luyện các phẩm chất đạo đức phụ nữ “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”… tiếp tục được triển khai sâu rộng với nhiều nội dung và hình thức phong phú, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của đông đảo phụ nữ. Công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao trình độ, năng lực mọi mặt cho phụ nữ được đẩy mạnh, phát huy vai trò nòng cốt của phụ nữ trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Thông qua các phong trào, các chương trình, mục tiêu vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững được triển khai sâu rộng, hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Trong chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, có địa chỉ rõ ràng, có cách thức cụ thể, đã phát huy được hiệu qủa, góp phần nâng cao và cải thiện đời sống cho đại bộ phận phụ nữ. Từ những hoạt động thiết thực của các cấp Hội đã giúp cho chị em phụ nữ có kiến thức, kỹ năng, biết vươn lên làm giàu chính đáng, có ý thức phấn đấu trở thành người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, có kiến thức, năng động sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng để vừa tự khẳng định mình, vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước và tỉnh nhà...

 
Phong trào “Hũ gạo tình thương” giúp nhiều hộ phụ nữ nghèo ở thôn Hoài Nhơn (Phước Hậu, Ninh Phước).
Ảnh: Văn Miên

Những kết quả đáng khích lệ trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI sẽ là động lực để cán bộ, hội viên phụ nữ tự tin bước vào năm 2013. Các cấp Hội trong tỉnh cần chung sức, chung lòng phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với triển khai thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận động, các chương trình, đề án, hoạt động của Hội và các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Duy trì và đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó chú trọng xây dựng nhiều mô hình “Làm theo” Bác có hiệu quả, phấn đấu vượt chỉ tiêu kế hoạch đợt thi đua đặc biệt chào mừng 65 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc với chủ đề “ Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của gia đình và trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc nhân Năm gia đình Việt Nam- 2013. Tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giúp phụ nữ xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Vận động phụ nữ tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe, xây dựng cuộc sống gia đình, bảo vệ môi trường; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ...

Về phía Hội, cần tiếp tục kiện toàn bộ máy các cấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, giới thiệu những cán bộ nữ ưu tú vào các vị trí của Đảng, chính quyền. Từ quan điểm giới, từ yêu cầu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2020, chúng ta càng thấy trách nhiệm nặng nề hơn trong việc phấn đấu nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ tỉnh nhà để góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh ở địa phương và mục tiêu Vì sự bình đẳng, phát triển và tiến bộ của phụ nữ trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc và phụ nữ Việt Nam, với tinh thần yêu nước và quyết tâm phấn đấu vươn lên của các thế hệ phụ nữ, chắc chắn phong trào phụ nữ tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Phụ nữ Ninh Thuận hăng hái thi đua, tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế- xã hội, làm rạng rỡ quê hương Ninh Thuận thân yêu.

Chị Nguyễn Thị Vui, Phó Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Sơn Hải 2, xã Phước Dinh (Thuận Nam):

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Hội Phụ nữ cấp trên, thời gian qua, chị em trong chi hội được các ngành, các cấp triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cải thiện đời sống. Tuy nhiên, trên thực tế hiện vẫn còn nhiều hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, thích sinh con đông…, làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, hạn chế năng lực phấn đấu của chị em. Vì thế, tôi mong rằng, ngoài việc hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ cấp trên, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật đặc biệt là Luật Bình đẳng giới, Hôn nhân-Gia đình, hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản… góp phần giúp chị em vùng biển xây dựng gia đình “Ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Chị Chị Pinăng Thị Mai, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Bác Ái:

Hầu hết phụ nữ ở địa phương là người dân tộc thiểu số, đời sống hết sức khó khăn. So với chị em vùng đồng bằng, chị em còn thiệt thòi, ít có điều kiện để tham gia, hưởng thụ các hoạt động văn hóa, dịch vụ vui chơi giải trí… Với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện, tôi mong thời gian tới, các cấp, các ngành quan tâm, tích cực triển khai tổ chức chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương thức canh tác sản xuất mới, hỗ trợ về vốn, các giải pháp tạo việc làm, đồng thời xây dựng thêm các thiết chế văn hóa giúp chị em phụ nữ nói riêng và người dân Bác Ái nói chung có thêm điều kiện cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ tỉnh:

Cùng với phụ nữ toàn tỉnh, những năm qua, nữ CB, CNVC-LĐ không ngừng nỗ lực, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Hàng năm, tỷ lệ nữ CB, CNVC-LĐ đạt danh hiệu “Hai giỏi” luôn đạt trên 70%. Thời gian tới, ngoài việc chỉ đạo công đoàn các cấp tham mưu, phối hợp với chính quyền đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, tạo mọi điều kiện để chị em nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, LĐLĐ tỉnh còn tích cực tham gia phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách cho lao động nữ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khuyến khích các công đoàn cơ sở tổ chức nhiều hoạt động chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần, giúp chị em phát huy hơn nữa vai trò của mình trong gia đình và xã hội.