Một ngày đầu xuân, chúng tôi tìm đến gia đình chị Tala Thị Nại ở thôn Kiền Kiền 2, xã Lợi Hải (Thuận Bắc). Trước đây, gia đình chị có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, tuy nhiên từ khi, được Hội Phụ nữ tỉnh hướng dẫn thực hiện các mô hình sản xuất, giờ đây cuộc sống gia đình chị đã ổn định, dần trở nên khấm khá.
Chị Tala Thị Nại đang chăm sóc bò vừa vay được.
Dẫn chúng tôi đi xem con bò cái vừa vay được từ Chương trình cho vay bò có bảo hành của nguồn quỹ Tín dụng xoay vòng Dự án “Phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng sống trong vùng đệm Vườn quốc gia Núi Chúa” do Hội phụ nữ tỉnh phối hợp triển khai, chị Nại vui vẻ cho biết: Bò nhận về đã được 6 tháng, phát triển rất tốt. Hiện gia đình tôi đang cho phối giống để phát triển thành đàn. Ngoài được vay bò, năm 2012, gia đình tôi cùng với 29 hộ gia đình khác ở thôn còn được Hội Phụ nữ tỉnh phối hợp hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật thực hiện mô hình thâm canh giống lúa thuần vụ đông-xuân đạt năng suất cao”. Cho vay bò có bảo hành là một trong những mô hình sản xuất có hiệu quả của Hội Phụ nữ tỉnh phối hợp triển khai từ năm 2011 cho 83 hộ 3 xã: Công Hải, Lợi Hải, Bắc Sơn (Thuận Bắc). Phương thức của mô hình này là mỗi hội viên được vay 1 con bò cái trị giá 10 triệu đồng. Bò cho vay được bảo hành, bảo đảm phát triển tốt cho đến khi sinh sản. Nhờ mô hình này, nhiều gia đình chị em nâng cao thu nhập từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Kim Thơ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bắc Sơn cho biết: “Xã có 58 hộ gia đình phụ nữ nghèo được vay bò, đến nay phần lớn số bò đã sinh sản. Với lợi ích kinh tế mang lại, chúng tôi mong Hội Phụ nữ tỉnh triển khai mô hình này rộng rãi hơn”.
Một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao là mô hình may giỏ xách, được Hội Phụ nữ phường Bảo An thành lập từ năm 2011. Chị Lê Thị Khanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường cho biết: “Trước đây ở địa phương có nhiều chị làm nghề may giỏ xách nhưng chỉ nhận hàng gia công với quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Để giúp chị em phát triển nghề, Hội Phụ nữ phường đã tập hợp chị em lại và thành lập 3 cơ sở may giỏ xách”. Từ khi thành lập mô hình, chị em cùng nhau đoàn kết đưa ra nhiều ý tưởng đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm được nhiều đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định với số lượng lớn ở các thị trường trong và ngoài tỉnh như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Tp.Hồ Chí Minh… Không chỉ tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động tại chỗ với mức lương từ 2-4 triệu đồng/tháng, các cơ sở còn giúp cho nhiều chị em khác nhận hàng về gia công tại nhà cải thiện thêm thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng/tháng.
Mô hình cho vay bò có bảo hành và may giỏ xách chỉ là 2 trong số rất nhiều mô hình sản xuất hiệu quả do Hội Phụ nữ tỉnh triển khai trong những năm qua. Chị Huỳnh Thị Phượng, Trưởng Ban Hỗ trợ phát triển Kinh tế-Hội Phụ nữ tỉnh cho biết: “Điều đáng ghi nhận hơn cả đó là ngoài sự hỗ trợ của Hội Phụ Nữ cấp tỉnh, các cấp hội ở cơ sở luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự thân vận động tìm ra những mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế, nhu cầu của chị em và linh động triển khai hết sức hiệu quả. Trong đó, điển hình như mô hình kết cườm của chị em phường Kinh Dinh (Phan Rang- Tháp Chàm), mô hình nuôi heo thịt ở chị em phụ nữ xã Phước Thái…”. Ngoài việc triển khai các mô hình sản xuất, Hội Phụ nữ các cấp còn đẩy mạnh đào tạo, dạy nghề, giới thiệu việc làm, tích cực vận động chị em thành lập các mô hình như: Tổ tiết kiệm, tổ góp vồn xoay vòng… để chị em có điều kiện giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Chỉ tính riêng năm 2012, Hội PN các cấp đã huy động gần 2,7 tỷ đồng vốn xoay vòng giúp cho 3.056 chị vay vốn phát triển sản xuất. Tổ chức 15 lớp dạy nghề cho gần 700 lượt hội viên, phụ nữ các lớp may, nấu ăn, đan lát; giới thiệu việc làm cho trên 3.000 chị, 22 chị xuất khẩu lao động. Với những việc làm thiết thực đã giúp cho 741 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo.
Nhằm triển khai thực hiện tốt hơn nữa các mô hình sản xuất giúp hội viên, phụ nữ cải thiện đời sống, trong thời gian tới, Hội Phụ nữ tỉnh tích cực hướng hoạt động về cơ sở, tìm hiểu nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của chị em, điều kiện phát triển kinh tế của các địa phương, nhu cầu thị trường, để từ đó kiến nghị, phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Đây cũng là việc làm thiết thực góp phần nâng cao vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới tỉnh nhà.
Uyên Thu