Với tầm nhìn xây dựng một cộng đồng ASEAN thân thiện, thúc đẩy phát triển ổn định, thịnh vượng và cùng hợp tác phát triển năng động, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã khẳng định quyết tâm thiết lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Cộng đồng ASEAN bao gồm 3 trụ cột là Cộng đồng chính trị-an ninh, Cộng đồng kinh tế và Cộng đồng văn hóa-xã hội.
Đẩy nhanh thành lập AEC vào năm 2015
Nhằm thực hiện mục tiêu đề ra, các Nhà Lãnh đạo ASEAN đã nhất trí sẽ đẩy nhanh việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 và đưa ASEAN trở thành một khu vực trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động lành nghề và các dòng vốn được di chuyển tự do.
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN 19 và các hội nghị liên quan sẽ diễn ra tại Việt Nam từ 6-9/3/2013
Năm 2007, Lộ trình tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC Blueprint) được thông qua và đã vạch ra một kế hoạch toàn diện, định hướng cho việc thành lập AEC, đồng thời xác định đặc trưng và các yếu tố chính của AEC cùng mục tiêu và khung thời gian cụ thể.
Theo đó, cộng đồng kinh tế ASEAN bao gồm 4 mục tiêu chính. Thứ nhất, ASEAN sẽ trở thành một thị trường đơn nhất, một không gian sản xuất chung. Thứ hai, AEC sẽ tạo nên một khu vực có tính cạnh tranh cao, ưu tiên chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế, thương mại điện tử. Thứ ba, AEC thúc đẩy phát triển kinh tế đồng đều trong khu vực thông qua việc tiếp cận thông tin, tài chính, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. Cuối cùng, việc hiện thực hóa AEC sẽ giúp ASEAN trở thành một khu vực hội nhập toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu.
Nhiều thách thức
Hướng tới xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN rõ ràng thể hiện quyết tâm, nỗ lực của ASEAN trong việc thực hiện mục tiêu hội nhập kinh tế của khu vực. Tuy nhiên, để thực hiện quyết tâm này, các nước ASEAN cũng phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn. Một trong những thách thức đối với quá trình thực hiện Lộ trình tổng thể xây dựng AEC là sự phát triển không đồng đều giữa các nước trong khu vực.
ASEAN là một tổ chức Hiệp hội mà trong đó các nước thành viên có trình độ phát triển khác nhau, do vậy tồn tại một khoảng cách lớn giữa các nước trong khu vực, mặc dù trong 20 năm qua, nhiều nước ASEAN đã gặt hái được nhiều thành tựu trong công cuộc phát triển, kể cả các nước ASEAN-4. Khoảng cách trong thu nhập tính theo đầu người giữa các nước ASEAN-6 và các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) tăng xấp xỉ 10% trong vòng 11 năm qua và không có dấu hiệu sẽ giảm đi.
Năm 2010, quốc gia thịnh vượng nhất trong khu vực là Singapore có mức thu nhập bình quân đầu người cao gấp gần 45 lần so với quốc gia nghèo nhất là Myanmar. Cũng trong năm 2010, tỷ lệ người sống dưới mức 1 USD/ngày là 33,9% tại Lào và 28,3% tại Campuchia trong khi tại Singapore hay Bru-nây, không một người dân nào phải sống dưới mức 1 USD/ngày.
Trong bối cảnh quá trình hội nhập kinh tế của khu vực diễn ra mạnh mẽ, với sự khác biệt về trình độ phát triển như vậy, ASEAN sẽ gặp khó khăn trong việc hiện thực hóa việc xây dựng một cộng đồng ASEAN nói chung và một Cộng đồng kinh tế AEC nói riêng vốn đòi hỏi phải có tính đồng đều cao. Vì vậy, ASEAN đã không ngừng thực hiện các nỗ lực nhằm mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước kém phát triển và các nước phát triển hơn, tăng cường tính cạnh tranh của khu vực và thúc đẩy hội nhập kinh tế trong ASEAN.
IAI nhằm thúc đẩy phát triển cân bằng, giảm nghèo…
Tại Hội nghị Cấp cao năm 2000, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã khởi xướng Sáng kiến hội nhập kinh tế ASEAN (IAI), một sáng kiến hợp tác khu vực tập trung tăng cường phát triển kinh tế xã hội thông qua các chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển cân bằng, giảm nghèo và khắc phục sự chênh lệch trong phát triển.
Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhấn mạnh rằng IAI sẽ là một cơ chế để các nước ASEAN-6 hỗ trợ các nước CLMV(Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) nhằm đạt được những kết quả mà Lộ trình tổng thể AEC đã đề ra. Các nước ASEAN-6 sẽ cung cấp các nguồn lực để thực hiện những hoạt động trong khuôn khổ của IAI, đồng thời hỗ trợ song phương trực tiếp cho các nước CLMV.
Bên cạnh các nước CLMV là đối tượng chính mà IAI hướng tới, hoạt động của IAI còn được thực hiện trong một số nhóm tiểu vùng như Tiểu vùng sông Mekong, Khu vực phát triển Đông ASEAN gồm Brunei, Indonesia, Malaysia và Philippines (BIMP-EAGA) và Tam giác phát triển Indonesia, Malaysia và Thái Lan (IMT-GT)…
Nội dung chính của IAI bao gồm các chương trình làm việc với mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển cũng được xây dựng nhằm khuyến khích sự hỗ trợ từ các đối tác đối thoại của ASEAN dành cho các hoạt động của IAI.
Chương trình làm việc IAI lần thứ nhất (2002-2008)được thông qua tại Hội nghị Cấp caoASEAN lần thứ 8 vào năm 2002, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm là: cơ sở hạ tầng (xây dựng hạ tầng giao thông và năng lượng); phát triển nguồn nhân lực (xây dựng năng lực cho khu vực công, hỗ trợ nâng cao trình độ lao động và gia tăng công ăn việc làm, tăng cường giáo dục); công nghệ thông tin và viễn thông (tăng cường khả năng tiếp cận đối với các dịch vụ liên quan để tạo ra nhiều cơ hội hơn cho người dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ).
Theo báo cáo của Ban Thư ký ASEAN vào tháng 5/2008, giai đoạn 2002-2008 có tổng cộng 232 dự án/chương trình đã được triển khai (trong đó 91% số dự án đã hoàn thành), nhận được sự tài trợ 191 triệu USD từ các nước ASEAN-6 và khoảng 20 triệu USD từ các nước đối tác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Na-uy và EU là các nước tài trợ nhiều nhất) và các cơ quan phát triển. Số liệu này chưa bao gồm hỗ trợ song phương và đa phương cho các nước CLMV trong các lĩnh vực tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, du lịch và xóa đói giảm nghèo.
Chương trình làm việc lần thứ hai (2009-2015)được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 14 (năm 2009) tập trung vàocác chương trình xây dựng năng lực, phát triển nguồn nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng.
Theo báo cáo của Ban Thư ký ASEAN vào tháng 3 năm 2010,chương trình có 68 dự án được triển khai, trong đó 29% đã được hoàn thành. Các nước ASEAN-6 đã đóng góp hơn 3,6 triệu USD, các đối tác hỗ trợ khoảng 125.000 USD cho các dự án của chương trình.
Phát triển kinh tế công bằng
Hiện nay, trong quá trình thực thi các dự án, việc mở rộng sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp là hết sức cần thiết, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là đối tượng phải đối mặt với nhiều thách thức như thắt chặt tín dụng, di chuyển lao động, nhu cầu của thị trường và rủi ro chính trị. Bởi vậy, một trong những nội dung quan trọng về hợp tác năm 2013 do Brunei đề xuất trong năm nay là tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ASEAN, đặc biệt là các doanh nghiệp của các nước CLMV.
Như vậy có thể thấy thông qua hai chương trình làm việc, Sáng kiến hội nhập kinh tế ASEAN hết sức chú trọng đến xây dựng năng lực và phát triển cơ sở hạ tầng, những vấn đề cốt lõi mang tính thúc đẩy đối với quá trình phát triển. Kết quả thực hiện hoạt động trong khuôn khổ IAI cũng cho thấy nỗ lực của các nước ASEAN và sự quan tâm của các nước đối tác và các tổ chức phát triển.
Mặc dù đối tượng hưởng lợi chính của IAI là các nước CLMV, nhưng mục tiêu hướng tới việc xây dựng một cộng đồng ASEAN trong đó có sự phát triển đồng đều, có lợi thế cạnh tranh và hội nhập toàn diện sẽ mang lại lợi ích cho khu vực nói chung, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển giữa ASEAN và các nước trên thế giới.
Năm 2011, xác định rằng hội nhập kinh tế ASEAN đi đôi với phát triển bền vững, đồng đều nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển cần sự phối hợp ở tầm cao mới, xuyên suốt các cấp, các lĩnh vực hợp tác trong ASEAN, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19/11/2011, các Nhà Lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thúc đẩy trụ cột thứ 3 về phát triển kinh tế đồng đều trong Cộng đồng kinh tế ASEAN với việc thông qua Khuôn khổ ASEAN về Phát triển kinh tế công bằng. Đây là cơ sở phối hợp, tổng hợp tất cả các sáng kiến trong các khuôn khổ Sáng kiến hội nhập kinh tế ASEAN, Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN, các chương trình hợp tác tiểu vùng nhằm đề ra Chương trình làm việc chung.
Hiện ASEAN đang tích cực triển khai đồng thời các sáng kiến đã xác định trong khuôn khổ Sáng kiến hội nhập kinh tế ASEAN, đồng thời xác định các mối liên kết giữa các kế hoạch, chương trình nói trên để phối hợp, tăng cường hiệu quả hợp tác./.
Nguồn VOV online