Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, yêu cầu của việc lấy ý kiến người dân
về dự thảo sửa đổi Hiến pháp phải “vừa sâu, vừa rộng". (Ảnh: TTXVN)
Tính đến thời điểm này, các cơ quan đơn vị, địa phương của Hà Nội đã triển khai công tác tuyên truyền, quán triệt những nội dung, định hướng dự thảo sửa đổi Hiến pháp với nhiều hình thức như hội nghị, họp báo; mở chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài phát thanh và truyền hình, cổng thông tin điện tử; mời các báo cáo viên của Trung ương, thành phố tuyên truyền, quán triệt, giới thiệu những nội dung của dự thảo thu hút nhiều thành phần nhân dân tham dự.
Nhiều ý kiến đóng góp cụ thể vào các chương, điều khoản, đoạn hoặc thuật ngữ, kết cấu; hoặc các nội dung như: Quyền sở hữu đất đai, thiết chế tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, các điều kiện đảm bảo quyền lực thực sự của HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao vị thế của các cơ quan này trong việc thực hiện dân chủ đại diện, phản biện xã hội; vấn đề dân chủ trực tiếp của nhân dân; nguyên tắc phân cấp đảm bảo quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi địa phương…
Đánh giá kết quả tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, TP đã làm tốt việc quán triệt các văn bản chỉ thị của Đảng, Quốc hội; ban hành và tổ chức có hiệu quả việc triển khai thực hiện các văn bản này cả về mặt tuyên truyền, xây dựng kế hoạch và tổ chức lấy ý kiến; thu thập được nhiều ý kiến của các tầng lớp nhân dân Thủ đô đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhiều ý kiến có chất lượng đóng góp vào từng điều khoản trong dự thảo.
Đối với những nội dung nhận được “quan điểm khác”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý TP tổng hợp và ghi nhận nhưng cần chú ý đánh giá, phân tích, nắm vững tình hình; đấu tranh, ngăn chặn tuyệt đối việc lợi dụng góp ý Dự thảo Hiến pháp để tuyên truyền, vận động người dân vào các mục đích cá nhân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá Đảng, Nhà nước.
TP cần tiếp tục phát huy kinh nghiệm đã đạt được; đưa những nội dung cụ thể, phù hợp với đặc thù nhóm đối tượng lấy ý kiến tại cơ sở để có nhiều ý kiến sâu sắc. Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần được tổ chức quy mô rộng hơn; theo hướng càng nhiều người tham dự, càng nhiều ý kiến góp ý càng đạt hiệu quả cao. Tất cả các cuộc tổ chức lấy ý kiến đều phải đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng các cấp, có sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ; đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai.
Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh và các thành viên đoàn kiểm tra đề nghị TP nghiên cứu, thực hiện các giải pháp phù hợp với đặc thù ở cấp cơ sở, tại từng khu dân cư, gia đình để thu thập được nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Thành phố cũng cần chú ý tổ chức tốt lấy kiến tại các khu công nghiệp, tổng hợp ý kiến của công nhân, người lao động đang sinh sống và làm việc trên địa bàn.
Nguồn www.chinhphu.vn