Các giải pháp phòng tránh ô nhiễm nguồn nước sạch ở vùng ven biển

(NTO) Trong những năm gần đây, tình hình hạn hán kéo dài trong mùa khô đã làm cho dòng chảy trên các dòng sông xuống rất thấp, vấn đề nuôi trồng thủy sản, tác động của thiên tai bão lũ, sạt lỡ đất và một số hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, là những điều kiện gây ô nhiễm nguồn nước sạch, đã và đang là mối nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế của cộng đồng dân cư vùng nông thôn ven biển trong tỉnh, đặc biệt là việc cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và vệ sinh môi trường.

Nông dân vùng ven biển xã An Hải khai thác nước ngầm trồng hoa màu áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước
Ảnh: Sơn Ngọc

Có thể nêu ra một số nguyên nhân:

- Xâm nhập mặn nước mặt: Xâm nhập mặn nước mặt chủ yếu xảy ra ngược theo các sông suối đổ ra biển vào mùa khô. Đối với các dòng sông ở Ninh Thuận, ranh giới mặn nhạt của nước sông thường tiến sâu về phía thượng lưu đến 3 - 5km, có nơi lớn hơn. Mức độ xâm nhập mặn phụ thuộc nhiều vào chế độ thủy triều và lượng dòng chảy trong mùa cạn. Năm có mùa khô kéo dài, dòng chảy cạn kiệt nhiều thì mức độ xâm nhập mặn lớn và ngược lại, năm có mưa nhiều thì mức độ xâm nhập mặn sâu vào thượng lưu càng nhỏ hơn.

- Xâm nhập mặn nước dưới đất: Nguyên nhân nhiễm mặn nước dưới đất ở các khu vực cửa sông ven biển chủ yếu do xâm nhập mặn của nước biển theo sông, ngấm xuống các tầng chứa nước, một phần do hoạt động dân sinh như nuôi trồng thủy sản, xây đập ngăn ở thượng lưu.... Đối với các tầng chứa nước sâu thì nguyên nhân nhiễm mặn chủ yếu do mặn chôn vùi. Có thể nói, hiện nay quá trình xâm nhập mặn của nước biển vào các tầng chứa nước vùng ven biển, nhất là vùng có cửa sông lớn đã và đang diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp. Vì vậy vấn đề này cần được đầu tư nghiên cứu để tìm các biện pháp hữu hiệu nhằm chế ngự quá trình này.

- Ô nhiễm nguồn nước mặt: Ở các vùng ven biển Ninh Thuận, phần lớn nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh chủ yếu được khai thác từ nguồn nước mặt, nguồn gây ô nhiễm cho nước mặt trên các sông chủ yếu do nước mặt hồi quy từ các ruộng sản xuất nông nghiệp, nguồn nước này thường đem theo dư lượng thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân hóa học hoặc phân hữu cơ, ngoài ra còn do các chất hữu cơ, vi sinh chủ yếu do chất thải rắn của cư dân ven sông, phế phẩm sau giết mổ, nước thải chưa qua xử lý, xả ra từ các cơ sở sản xuất công nghiệp...

- Ô nhiễm nguồn nước và môi trường do thiên tai, lũ lụt: Bão lũ xảy ra thường xuyên, ngoài những thiệt hại đối với tính mạng con nguời, tài sản, cơ sở vật chất... còn làm cho nguồn nước sinh hoạt hầu hết đều bị nhiễm bẩn, nhất là các giếng bị ngập lụt hoàn toàn trong lũ, nguồn nước trên các dòng sông suối chứa nhiều chất nhiễm bẩn như rác, phân, xác gia súc… mặt khác làm cho hệ sinh thái rừng và biển bị thay đổi, sự tàn phá của dòng chảy, nhất là các vùng đất trống đồi trọc... Lũ đã bào mòn lớp phủ thực vật non, để lại đá gốc hoặc gốc cây rừng già, thảm cỏ biển, vùng ngập mặn có sự thay đổi đáng kể do nhiễm bẩn bởi các loại chất thải...

Để giảm thiểu các tác động có hại do tình trạng ô nhiễm nguồn nước sạch ở vùng nông thôn ven biển trong tỉnh, chúng tôi kiến nghị :

 - Cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý tổng hợp lưu vực sông, xác định ranh giới lấy nước để đảm bảo môi trường sinh thái như yêu cầu lưu lượng nước sau khi sử dụng còn lại không nhỏ hơn (60 - 70%) lưu lượng kiệt trung bình tháng mùa cạn, tức là xấp xỉ lưu lượng các tháng của năm kiệt nhất ứng với tần suất 95%. Ở vùng ven biển, lấy lượng tương ứng với ranh giới mặn của năm cao nhất đã xảy ra, làm giới hạn cho phép lấy nước.

 - Nguồn gây ô nhiễm nước ở các vùng ven biển chủ yếu là bùn cát, chất thải rắn từ khu dân cư, nước thải, phụ phẩm sau giết mổ, hồi quy từ đồng ruộng... để giảm mức độ ô nhiễm và giám sát nguồn gây ô nhiễm, cần thúc đẩy công tác trồng và bảo vệ rừng ở thượng nguồn, giải tỏa khu dân cư ven sông ở những vùng dân cư quá đông, giám sát các khu giết mổ và xử lý nước thải trước khi đưa ra sông.

 - Mở rộng các khẩu độ tiêu thoát lũ ở các vùng cửa sông, vừa giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường sau thiên tai.

- Cần xây dựng các đê ngăn mặn phù hợp với điều kiện của mỗi vùng cửa sông, vừa đảm bảo ngăn được mặn và ô nhiễm nguồn nước, vừa đảm bảo tiêu thoát lũ và vệ sinh môi trường nước vùng thượng lưu đập.

 - Quy hoạch và giám sát chặt chẽ các khu nuôi trồng thủy sản. Một số vùng nuôi tôm trên đất cát, nước dưới đất có hiện tượng nhiễm mặn và ô nhiễm khá rõ nét, cần có quy hoạch một cách khoa học để bảo vệ tốt môi trường, tránh cạn kiệt nguồn nước ngầm, vốn đã rất nghèo lại càng nghèo hơn ở các vùng nông thôn ven biển.