Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mấu chốt của việc giảm thời gian khám, chữa bệnh là việc ứng dụng công nghệ thông tin. Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai rất nhiều biện pháp như: Thực hiện quy trình khám, chữa bệnh một cửa, tăng cường hướng dẫn người bệnh, mở nhiều bàn khám, bàn thu phí, khám chữa bệnh từ 6 giờ 30, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thông tin bệnh nhân tới các phòng khám, kê đơn trên máy… Thế nhưng, trung bình bệnh nhân vẫn mất khoảng 4 giờ mới hoàn thành việc khám, chữa bệnh. Đặc biệt, năm nào Bệnh viện Bạch Mai cũng thất thu một khoản viện phí không nhỏ, do bệnh nhân chấp nhận bỏ thẻ BHYT để trốn đóng viện phí.
Bệnh nhân đến làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Là bệnh viện đầu tiên trong cả nước tổ chức nghiên cứu và áp dụng các quy trình khám chữa bệnh cải tiến vào khám chữa bệnh, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (TP Hồ Chí Minh) “mạnh dạn” bỏ bước thu phí tạm ứng nhiều lần, bỏ bước duyệt toa thuốc bằng cách dùng phần mềm quản lý dược, ứng dụng CNTT để tự lấy kết quả xét nghiệm, đồng thời ứng dụng việc đăng ký khám bệnh qua tổng đài 1080 để giảm thời gian lấy số thứ tự… Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong đợi. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Cấp cứu Trưng vương, thời gian mà bệnh nhân chờ lấy số thứ chiếm nhiều nhất, thường là trên 1 giờ đồng hồ (trung bình là 73 phút), rồi đến thời gian chờ làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và lĩnh, mua thuốc.
TS Vương Ánh Dương, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ - Pháp chế, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cho rằng, nguyên nhân dẫn tới thời gian khám bệnh kéo dài là do: Các bệnh viện sợ thất thu viện phí, thủ tục của bảo hiểm y tế phức tạp, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin chưa cao, việc tổ chức thực hiện của các khoa khám bệnh và các bộ phận liên quan chưa liên hoàn…
Trên thực tế, mặc dù quy trình khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tương đối giống nhau từ khâu tiếp đón, lấy số thứ tự, khám chữa bệnh lâm sàng, thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán bệnh, thanh toán và lĩnh thuốc, song phần bố trí, sắp xếp các khoa, phòng tại nhiều bệnh viện vẫn chưa hợp lý, không bố trí nhiều bàn khám và tiếp đón bệnh nhân khiến quy trình khám, chữa bệnh và mức độ áp dụng công nghệ thông tin ở mỗi bệnh viện khác nhau. Vì lo sợ thất thu, nhiều bệnh viện yêu cầu bệnh nhân đóng tiền tạm ứng viện phí nhiều lần, phôtô nhiều giấy tờ trước và trong khi khám bệnh để nộp cho bệnh viện và các khoa khiến bệnh nhân mất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục này. Trong khi đó, thời gian bệnh nhân được khám, chữa bệnh quá ít và nhiều bệnh nhân còn không được tư vấn về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, sức khỏe. Chính điều này đã dẫn đến sự thiếu hài lòng và bức xúc của người bệnh.
“Việc chờ lâu không đáng ngại bằng việc bệnh nhân không biết các thủ tục gì đang chờ mình tiếp theo vì đa số bệnh nhân khi đến bệnh viện để khám, chữa bệnh đều không biết thông tin về thủ tục khám, chữa bệnh. Do đó, các cơ sở khám chữa bệnh phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để có một quy trình khám, chữa bệnh liên hoàn. Đồng thời phải xây dựng quy trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân khám chữa bệnh thông thường, khám chữa bệnh chuyển tuyến và khám chữa bệnh ngoại trú”, Ths Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, khẳng định.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, bên cạnh việc xây dựng quy trình khám, chữa bệnh chuẩn, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tinh giản thủ tục như: Ban hành mẫu giấy chuyển viện mới, quy định chỉ nộp tiền một lần, sửa mẫu bảng kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… Từ nay tới năm 2017, Bộ Y tế đề xuất triển khai đồng bộ nhiều đề án về công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế gồm: Bệnh án điện tử, mạng hóa báo cáo, tin học hóa y tế cơ sở…
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN