Cần giải quyết dứt điểm việc tranh vớt con Artemia ở đồng muối Phương Cựu

(NTO) Tại đồng muối Phương Cựu (Ninh Hải), thời gian gần đây, nổi lên tình trạng nhiều người dân đổ xô đi vớt con artemia, một loại nhuyễn thể mà người dân quen gọi là con “ạc”, để bán làm thức ăn nuôi ốc hương và tôm giống. Chính sự lộn xộn và tranh chấp về lợi ích giữa người dân với lực lượng bảo vệ các ruộng chứa nước làm muối đã làm nảy sinh mâu thuẫn, ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương.

Vào mỗi buổi chiều, tại đồng muối Phương Cựu, thuộc khu vực quản lý của Xí nghiệp Muối Tri Hải thường có hàng trăm người dân, đa phần là phụ nữ và trẻ em các thôn Phượng Cựu 1, Phương Cựu 2 và Phương Cựu 3 (xã Phương Hải) dùng xô, vợt mùng đi bắt con “ạc”. Việc nhiều người đổ xô ra đồng lội bắt “ạc”, khiến các ruộng “giang nước” làm muối đầy dấu chân người, sục bùn lên đục ngầu. Nếu như trước đây, “ạc” chỉ có giá khoảng 20 ngàn đồng/kg thì gần đây với việc giá tăng lên đến 60 ngàn đồng/kg, số lượng người đi bắt ạc cũng tăng lên. 

Người dân vớt con Artemia tại đồng muối Phương Cựu.

Theo người dân địa phương cho biết: “Nghề” vớt con “ạc” trong tự nhiên đã được người dân tại địa phương thường làm từ nhiều năm nay. Trung bình mỗi buổi chiều (thời gian ạc nổi nhiều trong ngày) một người có thể vớt được 2-3 kg, nếu gặp hôm thuận lợi có thể vớt được 5-7 kg. Chính vì vậy, vớt “ạc” đã góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho người dân địa phương, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.

Tuy nhiên gần đây, nhận thấy tại các hồ “giang nước” làm muối này có khả năng thu lợi từ việc tận thu con “ạc”, nhân viên bảo vệ Xí nghiệp Muối đã cùng một số người dân hợp đồng thuê tổng cộng 29,30ha, gồm 26 ô chứa nước ở đồng muối Phương Cựu của Xí nghiệp Muối Tri Hải, với mức 40 triệu đồng/năm để được thu “ạc”, kết hợp bảo vệ toàn bộ diện tích này. Theo anh Trần Bá Hà, nhân viên bảo vệ nhận thầu khu vực này để tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích hồ chứa nước đã được Xí nghiệp cho thuê, anh đã cùng các thành viên trong nhóm thầu đầu tư hàng chục triệu đồng mua thêm giống artemia về thả nuôi. Đồng thời tổ chức lực lượng tăng cường bảo vệ, không cho người dân vào khu vực nuôi để đánh bắt. Nhưng qua hai lần thả giống, vẫn chưa được thu lứa nào.

Do không còn có được điều kiện mưu sinh thuận lợi như trước, nên một số đối tượng đã ném đá phá chòi bảo vệ, lén lút vào vớt “ạc” tại các ruộng chưa nêu trên gây thiệt hại cho người nuôi. Mâu thuẫn nảy sinh khi người nuôi đưa một số đối tượng tại địa phương sử dụng hung khí đánh bị thương một số người dân. Trong đó có hai trường hợp là chị Lê Thái Thị Hằng (SN 1983) ở thôn Phương Cựu 3, bị đánh chấn thương vùng mặt và em Nguyễn Xuân Nhị (SN 1998) ở cùng thôn bị đánh chớm xương cổ tay, phải nhập viện điều trị, khiến người dân địa phương hết sức phẫn nộ, kéo lên trụ sở làm việc của Xí nghiệp Muối Tri Hải để phản đối. Sau khi xảy ra sự việc trên, lực lượng công an địa phương đã tổ chức bảo vệ, đảm bảo ANTT, không để phát sinh thêm phức tạp.

Anh Đỗ Duy Hà, Trưởng Công an xã Phương Hải, cho biết: Đối với việc đánh người gây thương tích, lực lượng Công an đã lập hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật. Để đảm bảo ANTT tại địa phương, lực lượng công an đã phối hợp tuần tra bảo vệ không để phát sinh các vụ việc phức tạp, mặt khác đề nghị Xí nghiệp Muối Tri Hải không ký hợp đồng bảo vệ, đưa đối tượng ngoài vào để gây mâu thuẫn với người dân địa phương.

Theo đồng chí Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải: Để tránh tình trạng mất ANTT, huyện đã trực tiếp đến địa bàn chỉ đạo chính quyền xã Phương Hải phối hợp với Công an huyện xuống tận các thôn để tuyên truyền, vận động người dân hiểu, đồng thời yêu cầu các chủ nuôi “ạc” phải xây dựng hàng rào, tăng cường bảo vệ, xây dựng biển cấm đánh bắt tại vùng nuôi, tránh xảy ra tình trạng tranh giành, dẫn đến xung đột. Lãnh đạo huyện Ninh Hải cũng đã yêu cầu các xí nghiệp muối đóng trên địa bàn cần có phương án cụ thể trong việc tổ chức hợp đồng giao cho hộ dân nuôi “ạc”, nhằm đảm bảo lợi ích và giữ vững ANTT tại địa phương.