Đồng chí Châu Thanh Hải, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Tỉnh ta hiện có hơn 163.000 thanh niên, chiếm khoảng 28,3% dân số toàn tỉnh, phần lớn sống ở nông thôn. Đây là lực lượng trẻ, khỏe, có tinh thần lao động, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao mô hình
thâm canh bắp lai cho ĐV-TN xã Phước Trung, huyện Bác Ái.
Nắm bắt nhu cầu về vốn cho thanh niên phát triển kinh tế, Ban Chấp hành Tỉnh đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh thực hiện cho vay ưu đãi các đối tượng là ĐV-TN có mô hình sản xuất nhỏ, kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Đến nay, đã giải ngân trên 100 tỷ đồng từ các nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo. Trong năm 2012, Đoàn các cấp đã tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho 12.145 ĐV-TN; giải quyết việc làm cho 3.038 ĐV-TN; thành lập 8 mô hình với 24 câu lạc bộ, tổ, đội giúp nhau lập nghiệp; giới thiệu 516 thanh niên vay vốn lập nghiệp và mở 258 lớp chuyển giao khoa học-kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi.
Để giúp ĐV-TN sử dụng tốt nguồn vốn được vay, hàng năm Tỉnh đoàn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn quản lý vốn vay cho hàng trăm lượt ĐV-TN. Đồng thời thường xuyên đôn đốc các tổ trưởng và thành viên Tổ vay vốn nộp lãi, gốc đầy đủ, đúng kỳ hạn, không để xảy ra thất thoát vốn. Duy trì kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của các hộ gia đình ĐV-TN. Nhờ vậy, nhìn chung các đoàn viên vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và từng bước cải thiện điều kiện kinh tế gia đình. Đặc biệt, nhiều ĐV-TN sau khi được vay vốn đã năng động, nhạy bén, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi.
Song song với đó, việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh và phát triển ngành nghề mới cũng được thanh niên tích cực hưởng ứng và rộng khắp trong các vùng nông thôn. Từ sự đồng hành của tổ chức Đoàn và nỗ lực của bản thân, nhiều thanh niên đã làm chủ được kinh tế gia đình và giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động là thanh niên nông thôn. Điển hình trong phong trào này phải kể đến mô hình nuôi cá nước ngọt của anh Trần Cao Tiên (xã Xuân Hải, Ninh Hải); mô hình chăn nuôi bò, dê của anh Đạo Thanh Nhớ (xã Nhơn Sơn, Ninh Sơn), mô hình đóng tàu khai thác hải sản của anh Lê Văn Thái (xã Phước Dinh, Thuận Nam)... Ngoài ra, phong trào chỉnh trang, cải tạo vườn, ao, chuồng để xây dựng thành mô hình VAC chuyên canh, thâm canh được đông đảo ĐV-TN thực hiện và đang hình thành các vùng cây ăn quả, cây đặc sản tương đối tập trung và giá trị lớn như các mô hình vườn cây ăn trái ở Xã đoàn Lâm Sơn (Ninh Sơn); mô hình nuôi ốc hương ở Xã đoàn Thanh Hải, mô hình bò vỗ béo và nuôi cá nước ngọt thương phẩm ở Xã đoàn Xuân Hải (Ninh Hải); chuyển giao kỹ thuật thâm canh, kỹ thuật chăm sóc và bảo quản nông sản đông lạnh... và nhiều mô hình thâm canh lúa, bắp lai, đậu xanh cao sản cho thanh niên dân tộc Raglai huyện Bác Ái, Thuận Bắc tạo hiệu quả kinh tế cao.
Những khởi sắc trong phát triển kinh tế của ĐV-TN cho thấy, phong trào xung kích lao động sáng tạo, phát triển kinh tế-xã hội và đồng hành cùng thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với ĐV-TN trong tỉnh. Tổ chức Đoàn đã phát huy được vai trò cầu nối, hỗ trợ ĐV-TN giải quyết việc làm và tăng thu nhập, qua đó, tập hợp được đông đảo thanh niên vào tổ chức Đoàn-Hội, góp phần tham gia phát triển kinh tế, tạo diện mạo mới cho tỉnh nhà.
Diễm My