Y tế học đường, cần được chú trọng đúng mức

(NTO) Y tế học đường có vai trò rất quan trong trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, tuy nhiên hiện nay công tác này vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Thực trạng thiếu cán bộ y tế chuyên trách, thiếu cơ sở vật chất và trang- thiết bị y tế vẫn diễn ra khá phổ biến ở các đơn vị trường học.

Tại Trường THCS Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tuy có nhân viên y tế chuyên trách, thế nhưng phòng y tế của trường chỉ được ngăn ra từ một phòng học bởi một tấm vách cũ, 2 chiếc giường xếp, một cái bàn và 1 tủ thuốc nhỏ khá đơn giản, thiếu thốn. Theo Ban Giám hiệu nhà trường, có ngày học sinh gặp vấn đề về sức khỏe, nhà trường không khỏi bối rối và phải nhờ cán bộ y tế của Trạm Y tế xã tới sơ cứu cho các em. Nhà trường cũng rất quan tâm việc này nhưng  do khó khăn chung nên vẫn phải chấp nhận.

Khám định kỳ cho trẻ, giúp phát hiện kịp thời không để bệnh lây lan trong trường học.

Ông Bá Văn Bẩm, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ninh Phước cho biết: Toàn huyện hiện có 54 trường học, trong đó có 11 trường mầm non, 33 trường tiểu học và 10 trường trung học cơ sở. Đối với mạng lưới y tế học đường, chỉ có cấp trung học cơ sở là có cán bộ chuyên trách y tế, còn lại 2 cấp học mầm non và tiểu học hiện chưa có. Cùng với việc thiếu phòng ốc, thì công tác tuyển dụng cán bộ y tế thực sự phục vụ ở các trường học đang gặp nhiều khó khăn. Chủ yếu là phải kiêm nhiệm từ bộ phận khác.

Với những trường học ở các vùng nông thôn, miền núi, tuy nhiều trường có phòng y tế, nhưng phần lớn các phòng đều trong tình trạng chung, chật chội, thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất không đảm bảo. Riêng trên địa bàn huyện Bác Ái, toàn huyện có 36 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, nhưng chỉ mới có 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 2 trường trung học cơ sở là có phòng y tế, có cơ sở vật chất, thiết bị đạt yêu cầu.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT tỉnh thì năm học 2012- 2013, toàn tỉnh có hơn 134.000 học sinh thuộc 319 trường học, cơ sở giáo dục. Để chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh ban đầu cho học sinh, các trường đã chú trọng đến vấn đề y tế học đường, hàng năm đều có kế hoạch triển khai công tác y tế trường học; định kỳ có phối hợp với các trung tâm y tế huyện, thành phố, tổ chức khám và phát hiện các bệnh về răng, miệng cho học sinh. Lồng ghép tuyên truyền các nội dung công tác y tế trường học như: giáo dục dân số, giới tính, sức khoẻ sinh sản, kỹ năng sống và phòng, chống HIV/AIDS cho học sinh... Thực hiện các quy định về vệ sinh trường học, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; dinh dưỡng học đường, nha học đường, xây dựng trư­ờng học xanh, sạch, đẹp... Tuy nhiên, hiện nhiều trường học vẫn chưa có phòng y tế, hoặc phòng y tế chưa đạt yêu cầu, có trường có phòng y tế nhưng lại thiếu cán bộ y tế, có trường thì ngược lại, thậm chí có trường không có cả hai. Trang thiết bị y tế thiếu, số đang sử dụng hầu hết đã cũ và hư hỏng, cơ số thuốc chưa đầy đủ theo quy định. Nguyên nhân chính là do kinh phí dành cho y tế trường học hiện còn rất hạn hẹp, chủ yếu trích từ quỹ Bảo hiểm y tế (10,8%) để lại cho trường hoạt động. Trong khi đó, theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh, tính đến cuối năm 2012 toàn tỉnh mới chỉ có trên 59.000 học sinh tham gia bảo hiểm y tế, chiếm tỷ lệ khoảng 60%, đây là con số khá khiêm tốn, khiến nguồn kinh phí trích cho y tế học đường hạn chế, ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

Thiết nghĩ, để tăng cường công tác y tế học đường, chăm lo sức khỏe đúng mức cho thế hệ tương lai, bên cạnh việc chú trọng nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế học đường, thực hiện xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục.... thì việc đầu tư cho y tế học đường không thể nào khoán trắng cho các trường học, mà nhất thiết phải có sự chung tay góp sức của xã hội, nhất là từ ngành Y tế. Để từ đó, có sự hỗ trợ tốt hơn cho các trường học từ việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, đến việc cung cấp các loại thuốc men, trang bị, dụng cụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho học sinh thường xuyên hơn. Có như vậy thì mới đáp ứng được nhu cầu về y tế học đường, mới đảm bảo được những đòi hỏi về giáo dục toàn diện cả về trí tuệ và sức khỏe cho học sinh.