Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề lãnh thổ phía Bắc và Ôkinaoa (Okinawa) của Nhật Bản, ông Ichita Yamamôtô (Ichita Yamamoto), cho biết văn phòng mới thành lập có trách nhiệm hỗ trợ Thủ tướng Sindô Abê (Shinzo Abe) và các quan chức khác giải thích với cộng đồng quốc tế lập trường của Nhật Bản về các vùng lãnh thổ tranh chấp. Cơ quan này gồm 15 nhân viên, sẽ phối hợp với các cơ quan khác trong chính phủ đề ra các chiến lược phổ biến hiệu quả.
Hàn Quốc đã phản ứng về động thái trên của Nhật Bản. Trong một tuyên bố, người Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Chô Tai Iâng (Cho Tai Young) cho biết Xơun (Seoul) "rất lấy làm tiếc và phản đối mạnh mẽ" quyết định nói trên của Chính phủ Nhật Bản, đồng thời yêu cầu Tôkiô hủy bỏ quyết định này. Hiện cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với chuỗi đảo mà Xơun đang kiểm soát và gọi là Đốcđô (Dokdo) trong khi Tôkiô gọi là Takêsima (Takeshima) ở Biển Nhật Bản.
Nhật Bản cũng có tranh chấp với Nga từ lâu về chủ quyền đối với quần đảo mà Tôkiô gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc và Mátxcơva gọi là quần đảo Kurin.
Gần đây, quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc gia tăng căng thẳng xung quanh tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo mà Nhật Bản gọi là Xêncacư (Senkaku) còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 5-2 đã triệu Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa đến để phản đối việc tàu Trung Quốc tiếp tục đi vào vùng biển tranh chấp. Trước đó, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) ngày 4-2 thông báo phát hiện hai tàu hải giám Trung Quốc đi vào vùng biển tranh chấp và lưu lại trong 14 giờ. Đây là lần thứ 25 tàu Trung Quốc đi vào vùng biển này kể từ khi Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo tranh chấp hồi tháng 9 năm ngoái.
Theo Tân Hoa xã, tại cuộc gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaca Xaiki (Akitaka Saiki) sáng 5-2, Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa đã bác bỏ cáo buộc của phía Nhật Bản. Ông Trình Vĩnh Hoa khẳng định các tàu hải giám của nước này chỉ thực hiện hoạt động tuần tra thông thường trên lãnh hải của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư/ Xêncacư.
Theo TTXVN