Ngày ấy, vào đầu năm 1949, trong Tập san Sinh hoạt nội bộ (tiền thân của Tạp chí Cộng sản ngày nay) số 13 xuất bản tháng 1-1949, có đăng bài viết “Đảng ta” của Trần Thắng Lợi-bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một bài viết lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đi sâu giải thích vấn đề liên quan đến “Đảng ta”, mặc dù trong giai đoạn trước đó, ở một số bài nói, bài viết Bác cũng đã dùng khái niệm này nhưng không mang ý nghĩa lý giải sâu sắc như bài báo Bác viết đầu năm 1949. Trong bài báo, Bác Hồ “nhắc lại vài mẩu chuyện của Đảng cho các đồng chí trẻ biết”. Bác Hồ đã nhắc đến tình hình thế giới và kể về hoàn cảnh ra đời của Đảng ta trong đó có đoạn viết: Vào năm 1929, “...trong nước dần dần thành lập ba nhóm cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn”. “Một nước mà có ba đảng cộng sản. Cả ba nhóm đều ngầm hiểu như thế là sai. Quần chúng đều hiểu rằng như thế là không đúng. Cả ba nhóm đều tìm cách để đi đến thống nhất. Nhưng bệnh hẹp hòi và cách làm không khéo, cho nên càng muốn gần nhau, lại càng xa nhau. Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở lại Tàu, cùng với đại biểu các nhóm khai hội ở Hương Cảng” (....). “Để giữ bí mật, các đại biểu khai hội bên sân đá banh của người Tàu. Vừa giả xem đá banh, vừa bàn bạc về Đảng. Sau cuộc bàn bạc sôi nổi và sau lời giải thích rõ ràng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, mọi người đều tán thành thống nhất cả ba nhóm thành một đảng.
Thế là Đảng ta chân chính thành lập”.
Bấy lâu nay cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân thường dùng từ “Đảng ta” một cách rất tự nhiên, không chút áp đặt, gượng gạo. “Đảng ta” được dùng ở đây bao hàm nhiều ý nghĩa nhưng tất cả đều có ý nghĩa sở hữu thiêng liêng, thân thiết và gần gũi: Đảng của chúng ta, Đảng của dân tộc ta, Đảng của đất nước ta, Đảng của nhân dân ta... Như vậy, có thể nói, chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh-người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam là người đầu tiên dùng khái niệm “Đảng ta” và viết một bài đi sâu về vấn đề này vào tháng 1-1949. Vấn đề đặt ra là tại sao mãi 19 năm sau kể từ khi Đảng được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới viết bài “Đảng ta” mà trước đó Người chưa viết? Ở đây có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Theo thiển nghĩ của người viết bài này thì có thể có một số lý do chính sau đây:
Thứ nhất, quần chúng nhân dân ta theo Đảng làm cách mạng, đứng lên đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, tìm con đường đem lại tự do, hạnh phúc, ban đầu là hoàn toàn tự phát dần dần do nhận thức, giác ngộ mới trở thành tự giác. Từ trong “đêm trường trung cổ” sống dưới “đường hầm” không có lối ra, bỗng nhiên thấy có những người đảng viên cùng khổ như mình đưa đường lối cứu nước, cứu dân và hy sinh thân mình vì dân, nước thì như nhìn thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm” lập tức đông đảo công nhân, nông dân, thợ thuyền, người cùng khổ đi và làm theo mục đích, lý tưởng của Đảng. Và Đảng đã đem đến cho đất nước, dân tộc, nhân dân lao động cả một “mùa xuân” với cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Từ đó, dần dần các tầng lớp nhân dân lao động mặc nhiên thừa nhận Đảng đó là Đảng của mình: Đảng ta. Bởi vì Đảng đó đem lại tự do, hạnh phúc cho đất nước, dân tộc và cho cả bản thân mình.
Thứ hai, vốn là một lãnh tụ có nhiều kinh nghiệm hoạt động cách mạng, lại rất tinh tế, cho nên chỉ sau khi lãnh đạo nhân dân làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã giành được những thắng lợi nhất định đang tiến tới giai đoạn quyết định; hơn nữa, Đảng Cộng sản Việt Nam chuẩn bị ra hoạt động công khai, tiến tới Đại hội II của Đảng thì Chủ tịch Hồ Chí Minh mới viết bài trong đó gọi Đảng là: Đảng ta. Điều này vừa là khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng nước nhà để nhân dân lao động Việt Nam thấy rõ hơn và tự nguyện, tự giác thừa nhận đó là Đảng của chính mình, không hề áp đặt.
Thứ ba, đến năm 1951, sau 21 năm lãnh đạo cách mạng giành độc lập dân tộc, tự do cho đất nước, nhân dân một nước phong kiến nửa thuộc địa, có đến hơn 95% số dân là nông dân, có những nét đặc thù khác biệt với các đảng cộng sản, công nhân ở các nước tư bản hoặc đang quá trình đi lên công nghiệp hóa. Do vậy, để phù hợp với tình hình, đặc điểm, hoàn cảnh, người Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương tổ chức Đại hội II, để Đảng ra hoạt động công khai. Tại Đại hội này, để thực hiện những nhiệm vụ mới, Bác Hồ đã khẳng định trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội rằng: “Chúng ta phải có một Đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi, Đảng đó lấy tên Đảng Lao động Việt Nam” (...). “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Những người mà: giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”.
Những năm tháng sau đó, Đảng Lao động Việt Nam tiếp tục lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, đem lại hòa bình bắt tay vào sự nghiệp xây dựng cho miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giành thống nhất nước nhà, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò không ai có thể thay thế Đảng ta. Chính vì vậy, trong Bài nói tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 5 lần nhắc đi nhắc lại cụm từ “Đảng ta vĩ đại thật”. Kết thúc bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc những vần thơ khẳng định:
“Đảng ta vĩ đại như biển rộng như núi cao,
Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình.
Đảng ta là đạo đức là văn minh,
Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no.
Công ơn Đảng thật là to,
Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”.
Và trước lúc “đi xa”, Bác Hồ còn dặn dò, khẳng định “Đảng ta là một đảng cầm quyền”.
Như vậy có thể nói: với tất cả những gì Đảng Lao động Việt Nam trước đây cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay cống hiến, phấn đấu cho nền độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, toàn thể dân tộc, nhân dân Việt Nam đều có thể tự hào gọi với cái tên thiêng liêng, trìu mến: Đảng ta. Đối với nhiều người, ngày ấy, không có vinh dự nào bằng vinh hạnh là đảng viên của Đảng.
Có một điều cũng nên nhắc lại, mặc dù lãnh đạo nhân dân, đất nước, dân tộc giành những chiến công hiển hách, những thắng lợi vô cùng to lớn có ý nghĩa lịch sử, nhưng sau bất cứ chiến công, thắng lợi nào, Đảng đều chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm, thiếu sót của mình để rút kinh nghiệm và sửa chữa, khắc phục để luôn luôn hoàn thiện, đổi mới Đảng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng ngày càng cao và nặng nề và sự mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân. Chính vì thế, Đảng lấy tự phê bình và phê bình làm nguyên tắc hoạt động của mình; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật.
Bây giờ, do nhiều nguyên nhân, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng đảng không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Bây giờ là khi toàn Đảng đang tiến hành khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo nhân dân xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Hiện nay, trong quá trình góp ý bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong khi nhiều ý kiến đề nghị khẳng định mạnh mẽ vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng ta trong Hiến pháp bằng trưng cầu ý dân thì có một số người lại cho rằng xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp. Với quan điểm như thế thì khác nào hành động thấy “chậu nước bẩn” lại đang tay “hất cả em bé trong chậu” hoặc vì “vung tay ném con chuột” mà làm vỡ cả “bình hoa”.
Nguồn Tạp chí Xây dựng Đảng