Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết

(NTO) Tết Quý Tỵ -2013 đang đến gần. Mức tiêu thụ thực phẩm tăng cao, nhất là hàng thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, mứt, rượu và các loại nước giải khát. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm và những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP) có xu hướng tăng trong thời điểm này. Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, Ban chỉ đạo Quản lý chất lượng VSATTP tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hóa Tết.

Theo thống kê từ Chi cục VSATTP, toàn tỉnh hiện có 1.360 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 3.587 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 3.052 cơ sở dịch vụ ăn uống; 101 chợ và 2 siêu thị và nhiều hộ gia đình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, hải sản và nghề truyền thống như bún, bánh hỏi, bánh tráng… quy mô nhỏ. Mặc dù đã có các vùng sản xuất rau an toàn, chăn nuôi tập trung, song số cơ sở sản xuất thực phẩm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng VSATTP còn hạn chế nên việc kiểm soát các công đoạn trong chuỗi cung cấp thực phẩm gặp khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cao. Thêm vào đó, khi sức mua trong những ngày Tết tăng, thị trường hàng hóa càng khó kiểm soát, thì tâm lý lo lắng về chất lượng VSATTP của người dân càng cao.

Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP của tỉnh kiểm tra hàng hóa bán trong dịp Tết tại chợ Phan Rang.

Tại một số cửa hàng, đại lý bánh kẹo, mứt trên địa bàn Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, nhiều loại mứt, ô mai, hạt dưa, bí... trong tình trạng “ba không” (Không nguồn gốc sản xuất, không nhãn mác, không hạn sử dụng). Đáng lưu tâm là nhiều loại kẹo màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, chỉ có chữ nước ngoài mà không được dịch ra tiếng Việt, không rõ thành phần, hạn sử dụng vẫn được bày bán. Nhiều loại thực phẩm khô như: Măng, miến, thịt bò... cũng trong tình trạng tương tự. Chị Nguyễn Thị Thanh Hoài, ở phường Phước Mỹ băn khoăn: Đa số người tiêu dùng không đủ thông tin để phát hiện hàng kém chất lượng và hàng giả. Gần đây, thông tin về thịt lợn tăng trọng, gà siêu trứng, rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép nhưng vẫn được bày bán trên thị trường nhiều tỉnh khiến người tiêu dùng thêm lo ngại. Chính vì vậy, khi mua hàng, nhất là các sản phẩm tươi sống, tôi chỉ quan sát và dựa vào kinh nghiệm là chính.

Nhằm quản lý chặt tình hình VSATTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, Ban chỉ đạo Quản lý chất lượng VSATTP tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng như Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Công an tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc lưu thông. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát tại các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm ở các huyện, thành phố từ ngày 15-1 đến ngày 15-2-2013 nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các nguồn hàng kém chất lượng.

Riêng tuyến tỉnh, công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm đang được tăng cường, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm cung cấp cho thị trường Tết như thịt, cá, rượu, bia, nước giải khát, rau xanh, các cơ sở dịch vụ ăn uống... Việc kiểm soát gia cầm nhập từ các nơi cũng được đẩy mạnh, nhằm hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống (rau, củ, thịt, cá, trứng..), phụ gia đóng gói và thực phẩm Tết (măng khô, bánh, kẹo, mứt, hạt dưa…), đoàn kiểm tra đã lấy mẫu và tiến hành xét nghiệm tại chỗ đối với 11 gian hàng gia vị; hơn 30 gian hàng rau, củ và thực phẩm tươi sống tại một số chợ đầu mối và 9 cơ sở kinh doanh bánh, kẹo trên địa bàn Tp.Phan Rang-Tháp Chàm. Qua đó, đoàn kiểm tra đã thu hồi một số sản phẩm đã hết hạn sử dụng, lập biên bản xử lý vi phạm và yêu cầu cơ sở thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về chất lượng VSATTP.

Bà Mai Thị Phương Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP, Phó đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh cho biết thêm: Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân trong dịp Tết, ngoài kiểm tra sản phẩm, đoàn còn tập trung kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về ATTP như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đủ điều kiện VSATTP, hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nhãn, hồ sơ nguồn gốc sản phẩm, nguyên liệu, điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện về con người, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP... Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; hướng dẫn người dân cách chọn mua, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn thông qua “10 quy tắc vàng”; nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ sở chế biến thực phẩm trong việc thực hiện tốt các quy định về vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân trong phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.

Cùng với nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra, thì hơn ai hết, người tiêu dùng cần chủ động lựa chọn những thực phẩm đã qua kiểm chứng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đảm bảo chất lượng VSATTP để mọi gia đình sẽ có được “bữa ăn an toàn” trong những ngày Tết.