Tham luận tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2012-2013: Tái cơ cấu doanh nghiệp và cân đối kinh tế vĩ mô” mới đây, TS Đỗ Thị Thanh Vinh, Trường Đại học Nha Trang (Khánh Hòa), cho biết tính chung năm 2011 và 2012, cả nước có khoảng 100.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản, bằng 50% tổng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong suốt 20 năm qua.
Không thể lạc quan quá sớm về tồn kho giảm
Với vị trí là tế bào của hệ thống kinh tế quốc dân, sức khỏe của các doanh nghiệp trực tiếp phản ánh sức khỏe của cả nền kinh tế. Khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, tồn kho cao và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cũng bị giảm sút (năm 2012, GDP đã xuống thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây).
Chỉ số tồn kho hàng công nghiệp vẫn còn rất cao
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/1/2013 tăng 21,5% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước là: Sản xuất thiết bị truyền thông tăng 374%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 62,6%; sản xuất xi măng tăng 35,7%; sản xuất dây, cáp điện tăng 34,1%; may trang phục tăng 23,3%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 20,7%. Cạnh đó, một số ngành khác cũng có chỉ số tồn kho tăng trên 10%, như: bia; thuốc lá; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa; đường; sắt, thép, gang; chế biến và bảo quản thuỷ sản; cấu kiện kim loại.
Theo TS Vinh, tiêu thụ giảm không phải mức tiêu dùng của người dân đã bão hòa mà chủ yếu là sức mua của người dân cũng như thị trường nói chung bị suy giảm. Tuy nhiên, ở một số ngành hàng, tồn kho tăng cao và kéo dài còn có nguyên nhân từ đầu tư sản xuất quá mức làm trầm trọng thêm tình trạng cung vượt cầu (điển hình là xi măng, sắt thép). Cạnh đó, còn do đầu tư phát triển doanh nghiệp theo phong trào, sản xuất không tính toán đến nhu cầu thị trường, thì khó khăn trong tiêu thụ là điều không thể tránh.
Hơn nữa, về phía doanh nghiệp, khó khăn trong tiêu thụ còn có nguyên nhân từ sự đơn điệu về kiểu dáng, chất lượng sản phẩm không đồng đều, giá bán cao và các kênh bán hàng chưa thuận lợi cho người tiêu dùng.
Tình trạng chỉ số hàng tồn kho tăng cao, theo TS Vinh, nó trực tiếp phản ánh sự giảm sút của tổng cầu, sự đình trệ của nền kinh tế và giảm sút sức mua của người dân. Đáng chú ý nữa, trong những tháng cuối năm 2012, việc giảm chỉ số hàng tồn kho so với những tháng đầu năm một phần do hiệu ứng tích cực của các giải pháp đã được thực hiện, nhưng phần khác là do một số doanh nghiệp ngừng sản xuất, một số khác buộc phải cắt giảm sản lượng sản xuất.
Bởi vậy, “không thể lạc quan quá sớm trước tình hình chỉ số hàng tồn kho đã về mức bình thường của nhiều năm trước”- TS Vinh nhấn mạnh. Giải quyết hàng tồn kho, gồm cả hàng công nghiệp và bất động sản, vẫn phải là nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm. Đồng thời, giải quyết hàng tồn kho và xử lý nợ xấu có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Doanh nghiệp phải chủ động vượt khó
Giải pháp căn bản cho việc giải phóng hàng tồn kho hiện nay, TS Vinh đề xuất: Đối với doanh nghiệp, trong ngắn hạn phải giảm giá hàng hóa (kể cả chấp nhận lỗ). Cách này giúp DN có thể thu hồi được vốn để có thể duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động.
Doanh nghiệp cũng cần mở rộng phương thức bán trả góp (đối với hàng tiêu dùng lâu bền và hàng tư liệu sản xuất), trong đó phần trả sau có thể không lãi suất, hoặc lãi suất bằng lãi ngân hàng; thực hiện bán hàng lưu động (hàng tiêu dùng, vật tư nông nghiệp) vừa giúp doanh nghiệp tiêu thụ được hàng vừa tiếp cận, quảng bá tới khách hàng trực tiếp.
Giảm giá hàng hóa là một trong những giải pháp quan trọng giúp giải phóng tồn kho
Thực hiện việc ký gửi hàng hóa tại nơi bán cũng cần được doanh nghiệp coi là một giải pháp gỡ khó. Tuy nhiên, TS Vinh lưu ý, doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ nhà phân phối để tạo thuận lợi trong tiêu thụ hàng hóa, có thể có thưởng cho nhà phân phối nếu bán được nhiều hàng...
Bên cạnh các giải pháp ngắn hạn này, về dài hạn, theo TS Vinh, doanh nghiệp cần coi trọng nghiên cứu nhu cầu thị trường. Phải thực hiện nguyên tắc “sản xuất và đưa ra thị trường cái mà thị trường cần, chứ không phải đưa ra thị trường cái mà mình sẵn có”. Đồng thời, doanh nghiệp phải đa dạng hóa kiểu cách, mẫu mã hàng hóa, tạo sự khác biệt so với hàng hóa cùng loại của đối thủ cạnh tranh.
Doanh nghiệp phải coi trọng nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng trách nhiệm với người tiêu dùng; phấn đấu hạ giá thành sản phẩm để giảm giá bán. Tổ chức hợp lý kênh phân phối, tạo thuận lợi cho người mua…
Còn về phía Chính phủ, TS Vinh đề xuất rằng, thực hiện giải pháp thúc đẩy tăng tổng cầu của nền kinh tế giữ vai trò trọng yếu và phù hợp với điều kiện tổng cầu sụt giảm.
“Từ thực tiễn của nhiều quốc gia, các nhà kinh tế đã chỉ ra rằng các biện pháp kích cầu chỉ có thể đem lại hiệu quả mong muốn khi đảm bảo đúng lúc, trúng đích và vừa đủ. Trong điều kiện hiện nay, việc kích cầu phải bao hàm cả kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng”- TS Vinh nhấn mạnh.
Về kích cầu đầu tư, TS Vinh phân tích: cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Đó là giãn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; nới lỏng chính sách tài khóa thông qua mở rộng đầu tư công để kích cầu đầu tư theo yêu cầu “trúng đích” và “vừa đủ”, kiên quyết khắc phục đầu tư dàn trải, phân tán vốn từ ngân sách nhà nước.
Cạnh đó, cần nới lỏng chính sách tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng cho sản xuất và tiêu dùng, tăng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Đối với việc kích cầu tiêu dùng, cần thực hiện đúng lộ trình tăng lương của năm 2013. Song song đó, phải mở rộng tín dụng bất động sản, nhất là cho vay mua nhà, cung cấp tín dụng lâu dài cho các đối tượng có nhu cầu thực về nhà ở. Chính quyền có thể tìm nguồn vốn để mua lại các khu nhà làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội, bệnh viện….
Nguồn VOV.VN