Kể chuyện chiến đấu:

Chiến thắng sân bay Thành Sơn mùa khô 1969

(NTO) Cũng ngày, tháng, năm này 44 năm đi qua (25-1-1969 - 25-1-2013), 44 mùa xuân trôi theo dòng lịch sử oai hùng của dân tộc.

Nhưng ngày ấy, những người con của mọi miền đất nước đến Ninh Thuận góp phần chiến đấu chống ngoại xâm, giải phóng đất nước, đặc biệt là những người chiến sĩ đặc công biệt động, không thể nào quên ngày mở đợt tổng công kích sau Tết Mậu Thân 1968 toàn miền Nam.

Ninh Thuận một tỉnh nhỏ, sự tiếp tế từ Miền xuống rất xa, miền Bắc viện trợ vào hết sức gian nguy, thực lực của ta lúc bấy giờ rất thiếu thốn mọi bề về con người, về vũ khí, lương thực. Nhưng Bộ Tổng Tư lệnh miền Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 6 chỉ thị cho Ninh Thuận phải tập trung lực lượng đặc công biệt động, lực lượng thật tinh nhuệ lúc bấy giờ tổ chức chuẩn bị và hạ quyết tâm đánh phá, tiêu diệt một số phi cơ phản lực, máy bay đacôta, kho bom, đài rađa, Sở Chỉ huy sân bay Thành Sơn nhằm góp phần thay đổi cục diện về chính trị ở miền Nam và góp phần giành thế chủ động của ta trên bàn hội nghị đàm phán ở Paris (Pháp).

Mệnh lệnh và nhiệm vụ rất khó khăn và ác liệt, nhưng tất cả những người lính đặc công chúng tôi rất vui mừng, rất phấn khởi sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Tỉnh ủy, Tỉnh đội xuống trực tiếp chỉ huy phát động phong trào thi đua chiến đấu, giết giặc lập công. Các đồng chí Nguyễn Nhất Tâm (quyền Bí thư Tỉnh ủy), Nguyễn Công Tạch (Tỉnh đội phó), Quý Đẩu (trợ lý đặc công của Khu 6), Phùng Hưng (trợ lý đặc công của Ninh Thuận), những người trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy và tổ chức cho các đơn vị đặc công ăn tết trước. Mặc dù tình hình rất khó khăn, nhưng Tỉnh ủy, Tỉnh đội chuẩn bị vật chất ăn tết rất đầy đủ, gạo trắng, heo, gà, bánh chưng, bánh ngọt và còn thuốc lá thơm đặc biệt nữa. Cái tết ở chiến khu, cái tết trước giờ ra trận quá đỗi thiêng liêng, trước giờ xuất kích, chúng tôi nhận Cờ quyết tử của Tỉnh ủy, Tỉnh đội trao, chúng tôi thề “Chưa đánh được giặc, chưa thắng giặc chúng tôi chưa về”.

Trận này, quyết tâm của Tỉnh ủy, Tỉnh đội, sử dụng 4 đại đội, 2 đại đội đặc công, 1 đại đội cối 82 ly, 1 đại đội H12-ĐKP. Tổ chức thành hai hướng tấn công vào Sân bay Thành Sơn. Hướng thứ nhất sử dụng 20 đồng chí của đặc công H13+H14, anh Chung, anh Lăng chỉ huy trận nội. Ông Nguyễn Công Tạch, Tỉnh đội phó trực tiếp chỉ huy hướng này, có nhiệm vụ đánh từ hướng Đông Sân bay Thành Sơn, đánh lên khu máy bay đacôta, sư đoàn 23 Ngụy, về phía Tây Nam sân bay. Hướng thứ hai sử dụng 25 đồng chí của Đại đội Đặc công 311, anh Huỳnh Hữu Phước, anh Tới chỉ huy trận nội, có anh Quý Đẩu, anh Phùng Hưng, trợ lý đặc công của khu và tỉnh Ninh Thuận trực tiếp chỉ huy chung, có nhiệm vụ đánh từ đài rađa, đài chỉ huy, khu giặc lái, khu để phản lực, đánh xuống hướng Đông-Đông Nam sân bay. Đến giờ “G” toàn bộ chúng tôi cắt rào có hướng 15 lớp rào, kẽm gai và vô số mìn các loại, chó béc-giê, rắn độc, quân canh phòng, quân tuần tiểu dày đặc và liên tục. Đại đội 4- cối 82 ly có nhiệm vụ sau khi đặc công nổ súng đánh vào sân bay (một tiếng đồng hồ) thì 4 khẩu cối 82, với cơ số đạn 200 quả bắn cấp tập và sau đó bắn kiềm chế, uy hiếp cho các đơn vị đặc công chúng tôi lui ra, sau một giờ thì Đại đội H12-ĐKP bắn 26 quả H12 vào trung tâm Sân bay Thành Sơn khống chế tiêu diệt; bọn địch còn lại bắn pháo truy đuổi quân ta. Sau 10 phút, 6 quả ĐKB loại công phá lớn sát thương rộng, tiếp tục bắn vào sân bay lần cuối tiêu hao, tiêu diệt một số sinh lực và phương tiện của chúng.

Đến giờ hợp đồng tác chiến đã quy định trước cho các hướng, các mũi đặc công đã ngụy trang xong bí mật rà gỡ các loại mìn, cắt xung rào, các hướng đã lọt vào sân bay thì hướng thứ nhất, phía Đông sân bay bị lộ, địch phát hiện, H13-H14 tiến hành nổ sung quyết liệt, vừa đánh tiến vào sân bay, đánh những mục tiêu đã phản công trước, nhưng bọn địch quá đông, dùng mọi phương tiện, xe bọc thép, bộ binh, trực thăng tấn công vào đội hình quân ta rất ác liệt.

Hướng thứ hai, phía Tây sân bay, Đại đội 311 đặc công đã luồn sâu, ém sẵn đến giờ “G” nổ súng tấn công mãnh liệt, đánh chiếm đài rađa-đài chỉ huy, khu giặc lái giáp đường băng sân bay phản lực, bọn địch bị ta tấn công bất ngờ, số bị ta tiêu diệt, số còn lại đã điên cuồng chống trả ác liệt, chúng gọi chi đội xe tăng, xe bọc thép hướng đồi Cô Tiên, Lương Tri đột phá vào đội hình quân ta. Đại đội 311 đặc công vừa chiến đấu với bọn địch tại chỗ, bọn bảo vệ sân bay, phải đánh trả rất quyết liệt với quân xe tăng, xe bọc thép, Đại đội 311- Đặc công sau gần một giờ chiến đấu vô cùng quyết liệt, không còn đạn B40-B41 để đánh phá quân xe tăng và các mục tiêu kiên cố của quân địch nữa, lệnh của trên cho lui ra.

Đại đội 4 – cối 82 bắn phá mãnh liệt, tấp nập dội bão lửa lên đầu quân thù, kềm chế không cho chúng phục hồi chống trả.

Đại đội ĐKP-H12, trút những quả đạn có công phá lớn, sát thương rộng, cấp tập bắn vào trong sân bay, đã lấy những phần tử, mục tiêu bắn định sẵn, toàn bộ sân bay Thành Sơn lửa cháy rực cả một vùng trời làm cho quân thù náo loạn.

Sau hai giờ đồng hồ ta tấn công sân bay Thành Sơn, nơi mà địch cho rằng “bất khả xâm phạm”, ta đã tiêu diệt và làm bị thương hơn một trăm tên địch. Phá hủy và làm hư hỏng hàng chục máy bay các loại, bắn cháy 6 xe tăng, xe bọc thép, phá hủy hàng chục dãy nhà, lô-côt của quân địch, làm tê liệt sân bay năm ngày không hoạt động.

Chiến thắng Sân bay Thành Sơn ngày 25-1-1969 là một niềm tin, niềm tự hào và là một bước phát triển của binh chủng đặc công, dám nắm thắt lưng Mỹ – Ngụy mà đánh, đã đánh là chắc thắng.

Sau trận chiến thắng Sân bay Thành Sơn, Bộ Tư lệnh Miền tặng cho Đại đội 311 đặc công Huân chương chiến công hạng Nhì, còn lại H13- H14 Đại đội 4 – cối 82 ly, Đại đội ĐKP được tặng Huân chương chiến công hạng Ba.

Chiến thắng Sân bay Thành Sơn ngày 25-1-1969 làm vui mừng phấn khởi cho nhân dân cả nước, quân và dân tỉnh nhà Ninh Thuận phấn khởi bung ra vùng ven ấp chiến lược gặp, tiếp tế cho cách mạng thuốc tây, lương thực, thực phẩm cho ngày Tết Nguyên đán năm 1969. Chiến thắng ngày 25-1-1969 là một niềm vui, niềm tin, niềm tự hào của quân dân Ninh Thuận. Niềm vinh quang nào cũng phải trải qua đau thương, mất mát, 21 đồng chí đặc công của Đại đội 311-H13-H14 đã nằm lại trên đường băng Sân bay Thành Sơn ngày ấy.

Sau ngày nước nhà thống nhất, chúng tôi - những đồng đội còn sống, đã cùng Bộ CHQS tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể đã đưa các anh về quê hương, đất mẹ và nơi an nghỉ thiêng liêng của Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Chúng tôi tin rằng, các anh cũng yên lòng nằm đây, nhìn non sông đất nước Việt Nam đang từng ngày xây dựng lại đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, giàu mạnh hơn như lời Bác Hồ đã căn dặn.