Về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự thảo Luật, báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) Phan Xuân Dũng cho biết: Đa số ý kiến các đại biểu nhất trí với phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc Luật có nên điều chỉnh vấn đề “tái thiết sau thiên tai” hay không?
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, “tái thiết sau thiên tai” cũng thuộc phạm trù khắc phục hậu quả thiên tai, nhưng có nội hàm rộng. Việc tái thiết là hoạt động lâu dài và liên quan đến nhiều quy định của pháp luật khác như: Pháp luật về quy hoạch, pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng, pháp luật về bảo vệ môi trường... Hơn nữa, trong điều kiện Việt Nam, thiên tai xảy ra thường xuyên, nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống thiên tai còn hạn chế. Do vậy, dự thảo Luật chỉ điều chỉnh đến hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai, còn quy mô, mức độ khắc phục sẽ phụ thuộc vào năng lực, điều kiện cụ thể của Trung ương và từng địa phương.
Về tên gọi của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cũng cho biết, Ban soạn thảo thống nhất cao với tên luật là Luật Phòng, chống thiên tai như Tờ trình của Chính phủ và nhiều ý kiến đại biểu đề nghị. Bởi, tên gọi này ngắn gọn, đầy đủ, bao quát toàn diện các vấn đề trong hoạt động phòng, chống thiên tai; đồng thời phản ánh và khái quát được những nét chung nhất về bản chất, nội hàm và mục đích của việc ban hành Luật. Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị tên gọi khác, như: Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, Luật Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai hoặc Luật Quản lý rủi ro thiên tai.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, nên giữ nguyên tên gọi trong Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh là Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Chủ nhiệm Trương Thị Mai khẳng định rằng, không thể “chống” lại thiên nhiên nên ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn tên gọi của dự thảo Luật.
Về các loại quỹ trong phòng, chống thiên tai (Điều 10, Điều 11), Dự thảo Luật phòng, chống thiên tai trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 có quy định về hai loại quỹ cho phòng, chống thiên tai gồm: Quỹ phòng, chống thiên tai và Quỹ đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển, nhiều quy định trong dự thảo luật này “vừa thiếu, vừa thừa, vừa có độ vênh so với pháp luật về tài chính". Luật nên có quy định điều phối nguồn lực đóng góp tự nguyện từ xã hội sao cho đảm bảo tính công bằng, hiệu quả, vì hiện nay vẫn có tình trạng mạnh ai nấy làm, dẫn đến chỗ được hỗ trợ nhiều lần, chỗ lại không được hỗ trợ.
Về vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân trong phòng, chống thiên tai (khoản 2, Điều 6), nhiều ý kiến cho rằng, không nên quy định trong Luật vai trò chủ lực của lực lượng vũ trang nhân dân vì chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này là bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Bàn về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, nếu quy định lực lượng vũ trang chỉ tham gia vào hoạt động phòng, tránh thiên tai thì không thể hiện được hết vai trò của lực lượng quan trọng này. Vì thế, nhiều ý kiến đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu để thể hiện trong dự thảo Luật hợp lý, chính xác về vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân trong hoạt động phòng, tránh thiên tai. Bà Trương Thị Mai đề nghị, cần bổ sung thêm hai lực lượng quan trọng đã và đang tham gia hiệu quả vào hoạt động phòng, tránh thiên tai hiện nay, đó là lực lượng của Hội chữ thập đỏ và Mặt trận Tổ quốc...
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề cao vai trò của lực lượng tại chỗ và đề nghị cần thể hiện rõ, làm nổi bật vai trò của lực lượng này trong phòng, tránh thiên tai.
Theo Thường trực Ủy ban KH,CN&MT, tuy pháp luật về quốc phòng, pháp luật về công an, pháp luật về dân quân tự vệ không quy định về vai trò của lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ trong phòng, chống thiên tai mà chỉ quy định trách nhiệm của lực lượng này trong công tác phòng thủ dân sự (trong đó có hoạt động ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai gây ra), nhưng trên thực tế cho thấy, khi thiên tai xảy ra, lực lượng vũ trang nhân dân luôn là lực lượng chủ lực trong hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Các lực lượng khác chỉ đóng vai trò phối hợp. Do vậy, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, dự thảo Luật cần khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của lực lượng vũ trang nhân dân để Nhà nước có sự đầu tư tài chính, trang thiết bị trong đào tạo, huấn luyện, diễn tập cho lực lượng này để hoạt động chuyên nghiệp hơn trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Đồng thời, việc quy định rõ vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân trong phòng, chống thiên tai cũng góp phần khẳng định rõ nguyên tắc Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phòng, chống thiên tai như quy định tại khoản 2, Điều 6 dự thảo Luật.
Tiếp tục tại phiên họp sáng 15-1, ngoài việc cho ý kiến về dự án Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn trao đổi và cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý nghĩa khác nhau của dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi)./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam