Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có gần 100 cơ sở kinh doanh DVCĐ được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy xác nhận đủ điều kiện về ANTT, chủ yếu tập trung ở địa bàn Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, trung tâm các huyện, thị trấn trong tỉnh.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ANTT đối với hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện, lực lượng công an thường xuyên tổ chức kiểm tra loại hình kinh doanh này nhằm phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những trường hợp vi phạm. Trung tá Nguyễn Lê Khai, Đội Trưởng Đội Kiểm tra hướng dẫn - Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh cho biết: Hầu hết các cơ sở kinh doanh DVCĐ đều chấp hành tốt các quy định trong lĩnh vực này.Tuy nhiên, không ít các cơ sở còn mắc nhiều sai phạm như: cầm cố tài sản không chính chủ mà theo quy định tài sản đó phải có giấy tờ sở hữu; không có hợp đồng cầm cố; không lưu bản photo chứng minh nhân dân của người đi cầm cố, không có kho riêng cất giữ tài sản cầm cố; cầm cố những loại “tài sản” không nằm trong danh mục cho phép như giấy CMND, sổ hộ khẩu…, gây khó khăn cho cơ quan chức năng quản lý loại hình kinh doanh này.
Qua thống kê, hầu hết các DVCĐ thì mô-tô chiếm 60% trong tổng tài sản được cầm cố. Theo quy định, chủ kinh doanh chỉ được cấm cố loại tài sản này khi có đầy đủ giấy tờ xe hợp lệ của chủ sở hữu trực tiếp đi cầm cố, hoặc có giấy ủy quyền của chủ sở hữu cho người đi cầm cố. Thậm chí, để tránh trường hợp tiếp tay với tội phạm trộm cắp xe, người chủ cơ sở phải đối chiếu số khung, số sườn của chiếc xe được cầm cố với giấy tờ xe. Trong thực tế đã xảy ra trường hợp bọn trộm cắp xe thường lấy biển số và giấy tờ xe của một chiếc xe khác gắn vào xe trộm cắp để đem tới thế chấp tại tiệm cầm đồ, khi lực lượng công an xác minh thì mới biết đã cầm cố nhầm xe gian. Đầu năm 2012, Công an huyện Ninh Hải triệt phá băng nhóm trộm cắp xe gắn máy gồm 6 đối tượng đã thực hiện 20 vụ trộm cắp xe máy tại địa bàn huyện này. Trong đó, chiếc xe hiệu Sirius biển số 85V3 – 6265 của anh Cao Như Minh (thôn Khánh Tường) được bọn chúng lấy biển số 85L1-6423 của một chiếc xe khác (có giấy tờ) gắn vào đó và đem đến thế chấp tại DVCĐ. Dĩ nhiên chủ tiệm không biết chiếc xe mình cầm cố đang trong tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, cho đến khi lực lượng chức năng xác minh, thu hồi tài sản thì chủ cơ sở mới biết rõ thực hư.
Điều đáng nói là một số cơ sở cố tình “làm ngơ” trước tài sản không rõ nguồn gốc, thậm chí là cầm cố tài sản do người khác phạm tội mà có. Rất nhiều đối tượng phạm tội khai nhận là đã thế chấp tại các cơ sở cầm đồ tài sản trộm cắp, cướp, cướp giật được vì đây là nơi tiêu thụ khá an toàn.
Nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định: Phạt từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng về hành vi cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc do hành vi vi phạm pháp luật khác mà có. Trong thực tế, lực lượng chức năng khó phát hiện ra loại tài sản “gian” do các chủ cơ sở DVCĐ thường “lách” sự kiểm tra của ngành chức năng bằng cách không có hợp đồng cầm cố, không vào danh sách theo dõi trong khi tài sản cầm cố được cất giữ nơi khác ngoài kho lưu giữ tài sản cầm cố đã được đăng ký với cơ quan chức năng.
Ngoài ra, nếu các cơ sở DVCĐ không tuân thủ đúng pháp luật về quy định lãi suất cầm cố thì sẽ dẫn đến rủi ro cao cho người đi cầm cố, mâu thuẫn sẽ phát sinh và gây mất ANTT ở địa phương.
Theo Trung tá Nguyễn Lê Khai, để các DVCĐ hoạt động theo đúng pháp luật, phục vụ nhu cầu chính đáng, hợp pháp của tổ chức, công dân thì trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh loại hình này tự giác nghiêm túc chấp hành pháp luật và các quy định của Nhà nước; thường xuyên kiểm tra nhắc nhở, chấn chỉnh, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đối với các chủ cơ sở kinh doanh tiếp tay cho tội phạm, gây mất ANTT, sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu cố tình cầm cố tài sản do người khác phạm tội mà có.
Bé Hoa