Ngành Tư pháp xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm năm 2013

Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013, ngày 9/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cơ chế theo dõi thực thi pháp luật được hình thành và được triển khai có kết quả bước đầu, thể hiện qua việc phản ứng nhạy bén hơn trước những vấn đề gây bức xúc trong xã hội.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc triển khai 
công tác tư pháp năm 2013, ngày 9/1. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Tại Hội nghị, ngành Tư pháp đã xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013.

Đó là, toàn ngành tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan thường trực giúp Chính phủ, HĐND và UBND các cấp trong việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và các năm tiếp theo, đặc biệt là các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất), Luật Hộ tịch, Luật Đầu tư công, mua sắm công, Luật Việc làm. Tạo bước đột phá về chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng tới tính khả thi, tính hợp lý của dự thảo văn bản, nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2013, đồng thời với việc tổ chức thi hành pháp luật nhằm tăng cường năng lực phản ứng chính sách, góp phần hoàn thiện pháp luật. Kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị xử lý văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật, chú trọng những lĩnh vực kinh tế, xã hội có nhiều bức xúc.

Hoàn thành việc chuyển giao công tác kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng các Bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh sang tổ chức pháp chế và Sở Tư pháp trong 6 tháng đầu năm 2013.

Phấn đấu đạt tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên 88% về việc và trên 77% về tiền trên tổng số việc, tiền có điều kiện thi hành.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng và hoàn thành các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính bảo đảm đúng tiến độ, đặc biệt chú trọng tới tính khả thi, tính hợp lý của dự thảo văn bản, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản này.

Triển khai có hiệu quả Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, kết hợp có hiệu quả giữa công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, đưa các công tác này đi vào chiều sâu, bám sát hơn nhu cầu xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương và lộ trình triển khai các luật, nghị định mới ban hành.

Tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng nhằm đưa Luật Giám định tư pháp sớm đi vào cuộc sống...

Tổ chức thực hiện tốt quy hoạch phát triển nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020; khuyến khích, hỗ trợ việc thành lập các tổ chức xã hội - nghề nghiệp công chứng ở địa phương, tiến tới thành lập Hiệp hội Công chứng toàn quốc và gia nhập Liên minh Công chứng Latinh quốc tế.

Triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” và Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo nguồn nhân lực tư pháp và pháp luật.

Phản ứng nhạy bén hơn trước những vấn đề bức xúc

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao những thành tựu mà toàn ngành Tư pháp đạt được năm 2012, đóng góp tích cực vào thành tựu kinh tế-xã hội của đất nước. Cơ chế theo dõi thực thi pháp luật được hình thành và được triển khai có kết quả bước đầu, thể hiện qua việc phản ứng nhạy bén hơn trước những vấn đề gây bức xúc trong xã hội, nhân dân, từng bước góp phần nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, đồng thời tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật.

(Ảnh: Chinhphu.vn)

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Tư pháp phải thẳng thắn nhận diện những yếu kém để làm tốt hơn trong thời gian tới. Đó là hệ thống pháp luật cồng kềnh, phức tạp, hiệu quả chưa cao, công tác xây dựng và thẩm định văn bản còn hạn chế. Thủ tục hành chính rườm rà, chi phí tuân thủ lớn, một số đạo luật đi vào cuộc sống còn chậm. Vẫn còn tiêu cực trong công tác thi hành án dân sự, một vài bộ phận trong ngành Tư pháp còn non yếu trong làm việc, giao tiếp với nhân dân.

Chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng này, theo Phó Thủ tướng là một số cấp ngành, địa phương chưa quan tâm đến tầm quan trọng của công tác tư pháp, chưa đổi mới hoạt động, kiện toàn hoạt động của ngành Tư pháp, cán bộ làm công tác này ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu…

Năm 2013, ngành Tư pháp tập trung vào công tác lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tiếp tục tham mưu cho Chính phủ về lấy ý kiến đối với một số đạo luật lớn, khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng văn bản, tập trung triển khai, theo dõi, đôn đốc việc xây dựng pháp luật hiệu quả, đẩy mạnh kiểm tra văn bản quy phạm của các địa phương, kiên quyết không để tình trạng văn bản chồng chéo, mâu thuẫn nhau.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch, góp phần chuyên nghiệp hoá nền hành chính quốc gia như đề án giấy tờ công dân và đơn giản hoá giấy tờ thủ tục trong đầu tư nước ngoài.

Chuẩn bị tốt các điều kiện để đưa Luật Xử lý vi phạm hành chính đi vào cuộc sống, bởi đây một đạo luật rất quan trọng, vừa là công cụ quản lý của Nhà nước, vừa là thước đo, hành lang pháp lý cho sản xuất, kinh doanh và đối tượng người dân, trực tiếp liên quan đến quyền, lợi ích người dân, doanh nghiệp.

Triển khai thực chất, hiệu quả Luật Phổ biến giáo dục pháp luật để luật phát huy tác dụng trong cuộc sống, tăng cường công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, công chứng, luật sư, giao dịch bảo đảm... Nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng pháp luật.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Phó Thủ tướng cho rằng các Bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức, vị trí quan trọng của công tác tư pháp, tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát chức năng, nhiệm vụ, biên chế, phụ cấp của ngành để xây dựng Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ trình Chính phủ xem xét, ban hành cho phù hợp với thực tiễn hoạt động. Bên cạnh đó, khẩn trương ban hành thông nhằm kiện toàn các tổ chức pháp chế tại Bộ, ngành, địa phương và phối hợp với các cơ quan sớm sửa đổi một số Nghị định, thông tư có liên quan đến tổ chức bộ máy cấp tỉnh, huyện.

Các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của mình đối với công tác tư pháp, đặc biệt là sự quan tâm của người đứng đầu đến công tác tư pháp, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ của ngành Tư pháp nói riêng và kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

Nguồn www.chinhphu.vn