Tập trung nâng cao chất lượng nhân lực vùng Trung du miền núi Bắc Bộ

Ngày 7/1, tại Hoà Bình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc và lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương đã tham dự Hội nghị Phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, do Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng giáo dục,
đào tạo trong vùng. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Đến năm 2010, toàn vùng đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi mẫu giáo đạt 85-90%, tiểu học đạt 97-99%, trung học cơ sở đạt 85-90%, trung học phổ thông đạt 45-50%. Đồng thời củng cố hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt gần 25%

Đối với giáo dục đại học và cao đẳng, toàn vùng có 56 trường đại học, cao đẳng với tổng số 133.780 sinh viên năm 2011, tăng 2,9 lần so với năm 2006, chiếm 5,1% tổng số sinh viên toàn quốc.

Theo quy hoạch các trường đại học, cao đẳng từ nay đến năm 2015, ưu tiên thành lập 1 - 2 trường đại học, 1 - 2 trường cao đẳng trong vùng nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định.

Các trường trong vùng được phát triển theo hướng đa ngành, đa cấp, đào tạo linh hoạt. Một số trường đã khẳng định được uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, góp phần tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên gần 25%.

Ông Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, cho rằng, trong những năm gần đây, giáo dục và đào tạo trong vùng có nhiều tiến bộ. Học sinh dân tộc thiểu số đã đoạt huy chương vàng quốc tế, nhiều em đạt học sinh giỏi cấp quốc gia.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu chính của giáo dục, đào tạo, dạy nghề trong vùng còn thấp so với bình quân cả nước; chất lượng còn hạn chế. Trong khi đó, khó khăn lớn là về cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý… Các đại biểu tham dự Hội nghị đều cho rằng, đây là vùng còn nhiều khó khăn nên cần được tăng cường đầu tư.

Nhiều chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định mở rộng quy mô trường dân tộc nội trú tỉnh ở cấp THPT và THCS, cải thiện chế độ cho học sinh bán trú và nội trú.

Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách đặc thù đối với học sinh ở 63 huyện nghèo như cộng điểm thi vào đại học, chấn chỉnh việc cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số, bảo lưu phụ cấp với cán bộ quản lý giáo dục, phụ cấp thu hút cho cán bộ, giáo viên miền núi.

Hội nghị bàn các biện pháp phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghệ trong vùng.
(Ảnh: Chinhphu.vn)

Về đề xuất mở thêm các trường đại học, phân hiệu các trường tại các tỉnh trong vùng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, các tỉnh cần cân nhắc kỹ, cân đối ngân sách, tạo quỹ đất cho xây trường. “Đây là nguyện vọng chính đáng của nhiều địa phương nhưng phải xem xét kỹ”, Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, để tiếp cận học sinh dân tộc thiểu số, giáo viên cần biết tiếng dân tộc thay vì ngoại ngữ khác. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai Chương trình Dạy học băng tiếng dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số tại 19 tỉnh và có kết quả rất khả quan.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ kết quả giáo dục, đào tạo, dạy nghề trong vùng còn xa so với yêu cầu, đặc biệt, do đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn nên tỷ lệ đến trường của học sinh chưa cao.

Phó Thủ tướng cho rằng, trong thời gian tới, các địa phương trong vùng tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt ưu tiên đào tạo cán bộ tại chỗ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo cho một số trường đại học và các cơ sở dạy nghề để phấn đấu đến năm 2020, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%.

Ngoài ra, việc dạy tiếng Việt cho con em đồng bào cần làm bài bản hơn, xem xét đào tạo theo cử tuyển để bảo đảm chất lượng, có phụ cấp nhằm thu hút giáo viên cho vùng cao, khắc phục bệnh thành tích, mở rộng hệ thống trường lớp theo khu dân cư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với đặc điểm học sinh vùng cao.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn www.chinhphu.vn