Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để phát triển bền vững

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu về sản xuất và xuất khẩu nhưng việc nâng cao sức cạnh tranh cho sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Theo các chuyên gia nông nghiệp, muốn nâng cao sức cạnh tranh, phải giảm giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng. Muốn nâng cao chất lượng, cần phải có tái cơ cấu trong sản xuất một cách triệt để.

Tái cơ cấu là nhiệm vụ và cũng là giải pháp ưu tiên hàng đầu để nông nghiệp phát triển bền vững, giữ vị trí là chỗ dựa của nền kinh tế.

Ưu tiên phát triển sản xuất các sản phẩm lợi thế cạnh tranh

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm ngành nông nghiệp đặt ra trong năm 2013 là thực hiện tái cơ cấu ngành, đẩy mạnh sản xuất. Trong đó, cần ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và có tiềm năng thị trường trong và ngoài nước.

Chế biến sản phẩm xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Cần Thơ). Ảnh: Duy Khương – TTXVN 

Trong năm 2012, kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhưng toàn ngành nông nghiệp đạt được kết quả khá toàn diện, sản xuất lúa gạo tiếp tục được mùa, đạt kỷ lục về sản lượng sản xuất và xuất khẩu. Tăng trưởng của ngành nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng chung của cả nước, kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu, nâng cao đời sống dân cư nông thôn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Theo Tổng Cục Thống kê, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cả năm ước tăng 3,4% so với năm 2011. Tốc độ tăng trưởng ngành đạt 2,72%. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2011.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp vẫn còn những hạn chế. Nhìn nhận vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và vật tư đầu vào cho sản xuất vẫn còn nhiều bất cập. Vẫn còn nông sản thực phẩm, vật tư nông nghiệp chất lượng kém, giả, độc hại được lưu hành và sử dụng gây bức xúc trong xã hội, giảm lòng tin của người tiêu dùng. Tình trạng dịch bệnh nhiều trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản đặc biệt là tôm gây thiệt hại lớn cho nhân dân…

Năm 2013, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng GDP của ngành là 2,8 - 3%, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành là 28,5 tỷ USD. Sản lượng lúa ước đạt 43,5 triệu tấn và 5,9 triệu tấn thủy sản, 4,6 triệu tấn thịt các loại. Để đạt mục tiêu trên, ngành nông nghiệp xác định sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tái cơ cấu lại nền sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và môi trường.

Để triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành trong năm 2013, theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, ngành tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; xây dựng các mô hình tổ chức mới trong nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Với ngành trồng trọt, ngành Nông nghiệp chủ trương các giải pháp rà soát quy hoạch, xác định cơ cấu cây trồng có lợi thế cạnh tranh và quy mô phù hợp với từng vùng, địa phương. Với những diện tích trồng lúa bấp bênh chuyển sang trồng ngô và đậu tương cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Thực hiện hiệu quả chương trình phát triển giống, triển khai các chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Đồng thời hướng dẫn các địa phương triển khai Nghị định số 42/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, phát triển khu sản xuất chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm, đổi mới quản lý và vận hành hệ thống thủy nông nhằm tăng hiệu quả sử dụng nước.

Với ngành chăn nuôi, để đạt mục tiêu năm 2013 giá trị sản xuất tăng 6,5 - 7% so với năm 2012, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, trong thời gian tới, ngành từng bước tái cơ cấu ngành theo hướng chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại. Đồng thời, duy trì chăn nuôi theo quy mô nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng. Không gian chăn nuôi cũng được tổ chức lại theo hướng chuyển dịch dần từ vùng mật độ dân số cao đến nơi có mật độ dân số thấp như duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc để giảm áp lực cho vùng đồng bằng. Về loại vật nuôi, ngành sẽ thực hiện chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm. “Ưu tiên tăng quy mô và năng suất gia cầm vì chi phí thấp, vòng đời ngắn, khả năng đáp ứng nhu cầu thực phẩm nhanh”, ông Dương cho biết.

Trong năm 2013, lĩnh vực thủy sản đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng 4,5 - 5% so với năm 2012 với tổng sản lượng thủy sản khoảng 5,95 triệu tấn, trong đó, sản lượng khai thác 2,6 triệu tấn. Để đạt được mục tiêu này, ngành sẽ thực hiện rà soát, quy hoạch lại diện tích nuôi trồng thủy sản, đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh, đa dạng hóa đối tượng nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai áp dụng VietGAP trên quy mô toàn quốc, nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất giống thủy sản.

Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hiệu quả là giải pháp được ưu tiên hàng đầu trong 9 nhóm giải pháp mà Bộ NN&PTNT sẽ triển khai trong năm 2013. “Bộ đã trình Chính phủ Đề án Tái cơ cấu ngành, sẽ sớm được phê duyệt gửi cho các địa phương. Tư tưởng chính là rà soát lại quy hoạch, xác định rõ những cây trồng vật nuôi tạo ra lợi thế của địa phương để tập trung chỉ đạo phát triển. Bài học kinh nghiệm của thành công của ngành trong 20 năm qua có nguyên nhân quan trọng là tập trung phát huy những lợi thế của quốc gia và của từng vùng”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Nguồn Báo Tin tức-TTXVN