Thượng tá Nguyễn Hữu Chung, Trưởng phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc- Công an tỉnh cho biết: “Năm 2012, Công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp tổ chức 147 buổi họp dân tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm với trên 40.000 lượt người tham dự.
Tổ xe ôm tự quản tại ngã 5 Phủ Hà (p.Phủ Hà – Tp.Phan Rang – Tháp Chàm)
là mô hình tự quản về ANTT hoạt động có hiệu quả.
Qua đó, quần chúng nhân dân đã mạnh dạn cung cấp trên 1.200 nguồn tin liên quan đến hoạt động của các loại tội phạm, trong đó có trên 80% tin có giá trị, giúp cơ quan chức năng điều tra, khám phá nhanh các vụ án và truy bắt đối tượng liên quan. Nhân dân còn tham gia truy bắt 5 đối tượng có lệnh truy nã, vận động 10 đối tượng phạm tội ra đầu thú và tự giác thu gom, giao nộp vũ khí, đạn dược, văn hóa phẩm độc hại để cơ quan chức năng tiêu hủy.”
Được xếp loại xuất sắc trong thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” của huyện Ninh Phước, xã Phước Hậu đã huy động tốt sự tham gia của người dân để giữ vững an ninh trật tự tại địa phương. Ông Huỳnh Tiến Quân, Trưởng Công an xã cho biết: “Trong năm 2012, xã Phước Hậu không có vụ trọng án nào. Trên địa bàn cũng có xuất hiện một số vụ việc về ANTT như trộm cắp vật nuôi, kẻ gian móc túi,… nhưng nhân dân địa phương đã phối hợp tổ chức vây bắt. Ban Công an xã đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể vận động, tuyên truyền sâu rộng việc phòng, chống tội phạm đến bà con nhân dân, đặc biệt là thông qua 22 tổ nhân dân tự quản trên địa bàn.”
Đến nay, trên toàn tỉnh có trên 2.700 Tổ nhân dân tự quản về ANTT tại các cụm dân cư. Để củng cố, kiện toàn quy chế tổ chức và hoạt động của các tổ nhân dân tự quản về ANTT, các địa phương đã rà soát, thường xuyên rút kinh nghiệm, học tập các mô hình hiệu quả của những địa phương khác. Thực hiện Chỉ thị 09/CT/TW ngày 01-12-20111 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, các cấp ủy Đảng tăng cường công tác lãnh đạo, huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, với mục tiêu đưa phong trào đi sâu vào quần chúng nhân dân, gắn phong trào với mọi mặt hoạt động đời sống người dân. Ngoài ra, việc phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta được triển khai thực hiện khá hiệu quả thông qua quy ước đảm bảo ANTT trong các tộc họ tự quản người Chăm, Raglai.
Tại một số địa phương, nhiều mô hình tự quản về ANTT được xây dựng mới, phù hợp với đặc điểm, tình hình trên địa bàn. Điển hình như 2 đội xe honda khách tự quản về ANTT trên địa bàn Tp.Phan Rang – Tháp Chàm với sự tham gia của trên 100 thành viên. Mô hình này không chỉ giúp ổn định hoạt động chạy xe ôm, hạn chế tình trạng chèo kéo, tranh giành khách mà các thành viên còn tích cực tham gia vây bắt tội phạm. Hay như mô hình Tổ xung kích an ninh nông thôn, được xây dựng thí điểm ở thôn Như Ngọc, xã Phước Thái (Ninh Phước) hoạt động theo hình thức dân nuôi (người dân đóng góp kinh phí hoạt động 10.000 đồng/tháng/hộ). Tuy thời gian hoạt động chưa lâu nhưng mô hình đã mang lại những kết quả bước đầu, góp phần ổn định tình hình ANTT trên địa bàn, được nhân rộng ra các thôn khác. Hiện xã Phước Thái là một trong hai xã được chọn thực hiện điểm tiêu chí 19 về “Giữ vững an ninh trật tự xã hội nông thôn” trong xây dựng Nông thôn mới của cả tỉnh.
Ngoài ra, tại các vùng giáp ranh, công tác đảm bảo ANTT được cấp ủy, chính quyền chú trọng, triển khai sâu rộng trong nhân dân nhằm tạo sự đoàn kết, xây dựng đường dây thông tin đến các cơ quan, đơn vị chức năng để phối hợp giải quyết tốt các vụ việc về ANTT xảy ra trên địa bàn.
Việc huy động toàn xã hội tham gia tích cực vào phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, gắn với các phong trào, các cuộc vận động khác tại khu dân cư sẽ có tác động rất lớn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH, giữ gìn ANTT ở các địa phương trong tỉnh.
Hà Bình