I. QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM - 68 NĂM XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH (22-12-1944 – 22-12-2012).
1. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời và cùng toàn dân tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công:
Trong Chính cương, Sách lược vắn tắt, Luận cương chính trị tháng 10-1930, Đảng ta đã khẳng định con đường giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc phải tổ chức ra Quân đội công nông để giành và giữ chính quyền. Vì vậy, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các tổ chức vũ trang lần lượt được hình thành là Đội vệ đỏ (Xích đỏ) trong Cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh và cao trào cách mạng (1930-1931). Những năm 1940-1945, các đội du kích Bắc Sơn (Lạng Sơn), du kích Nam Kỳ, đội du kích Ba Tơ (Trung Kỳ)… được hình thành. Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của phong trào đấu tranh cách mạng Việt Nam lúc này đòi hỏi phải có một đội quân chủ lực thống nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Trước tình hình đó, cuối tháng 10-1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang để hoạt động và lập đội quân giải phóng, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ và được chia thành 3 tiểu đội.
Thực hiện lời dạy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc “Trong một tháng phải có hoạt động, trận đầu nhất định phải thắng ”. Trong hai ngày 25 và 26-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tiến công đồn Phai Khắt, Nà Ngần đều giành thắng lợi, mở ra truyền thống quyết chiến, quyết thắng, biết đánh, biết thắng kẻ thù xâm lược của Quân đội ta. Tháng 4-1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang cả nước thành Việt Nam giải phóng quân.
Cách mạng tháng Tám thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc quân. Năm 1946 được đổi thành Quân đội Quốc gia Việt Nam và đến năm 1950 được đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tại Ninh Thuận, ngày 21-8-1945, Mặt trận Việt Minh tỉnh lãnh đạo quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Cũng trong ngày hôm đó, chính quyền cấp tỉnh về tay nhân dân. Bộ máy chính quyền từ tỉnh đến tổng, làng được thành lập. Ngay từ ngày 23-8-1945 đơn vị giải phóng quân đầu tiên được thành lập tại Tháp Chàm do đồng chí Trần Kỷ làm Chỉ huy trưởng, Lê Bút ủy viên quân sự làm chính trị viên. Sau đó đơn vị giải phóng quân thứ hai được thành lập tại Phan Rang, có 4 phân đội. Do yêu cầu nhiệm vụ và tình hình chiến trường, ngày 10-11-1945, Hội nghị liên tịch tại làng Bình An (Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận) đã thống nhất các lực lượng vũ trang các tỉnh Cực Nam trung bộ, tổ chức thành hai chi đội: chi đội I phụ trách tỉnh Bình Thuận, chi đội II (có hai đại đội) phụ trách tỉnh Ninh Thuận và Lâm Viên, do đồng chí Cao Thanh Trà làm chi đội trưởng. Thời kỳ này lực lượng vũ trang ở tỉnh ta phát triển mạnh đến cuối năm 1945 đã lên tới 30 phân đội (trung đội) phạm vi đảm nhiệm rộng, hoạt động tác chiến mang lại một số kết quả, điển hình như ngày 02-10-1945, tại Cầu Tân Mỹ ta diệt 12/13 tên lính Nhật. Tháng 7-1946, theo chủ trương của Khu 6, Trung đoàn 81 được thành lập thay cho chi đội 2. Khi lực lượng vũ trang được thành lập, chính quyền cách mạng được xây dựng từ tỉnh đến cơ sở, phong trào cách mạng ở Ninh Thuận đã tập hợp, huy động được mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
2. Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954):
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam mới vừa ra đời đã phải đứng trước một tình thế phức tạp và chồng chất khó khăn, cùng một lúc chúng ta phải đối phó với “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”. Ở miền Bắc, gần 20 vạn quân Tưởng vào giải giáp phát xít Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra; ở miền Nam, thực dân Pháp được quân Anh giúp sức đã trắng trợn gây hấn ở Nam Bộ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các lực lượng vũ trang và nhân dân ta nhất tề đứng dậy theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” cuộc chiến đấu ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã đã làm tiêu hao, tiêu diệt và giam chân một lực lượng lớn quân địch tạo điều kiện cho cả nước chuyển vào kháng chiến lâu dài. Ngày 7-10-1947, Pháp huy động hơn 12.000 quân có máy bay, tàu chiến hỗ trợ, mở cuộc tấn công lớn lên Việt Bắc, hòng tiêu diệt cơ quan lãnh đạo kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta. Quân ta đã phản công tiêu diệt địch, làm nên thắng lợi Chiến dịch Việt Bắc. Đây là thắng lợi quy mô lớn đầu tiên của quân ta, phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp.
Tháng 6-1950, ta mở Chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, mở đường thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Vừa chiến đấu, vừa xây dựng từ 1949-1952, Quân đội ta đã thành lập được nhiều đại đoàn chủ lực như: Đại đoàn 304, 308, 316, 325 và Đại đoàn công pháo 351.
Tháng 9-1953, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, với 5 đòn tiến công chiến lược, ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn và làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng cơ động của Na-va, buộc chúng phải căng ra đối phó ở khắp nơi; ta đã hoàn toàn nắm quyền chủ động, kế hoạch Na-va bắt đầu bị phá sản. Trước thời cơ thuận lợi, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 55 ngày đêm chiến đấu vô cùng dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ; Chiến dịch Điện Biên phủ toàn thắng.
Chiến thắng Điện Biên phủ cùng với thắng lợi trên các chiến trường khác đã góp phần quyết định làm phá sản kế hoạch Na-va, đồng thời có ý nghĩa quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nó trực tiếp dẫn đến thắng lợi của Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, buộc Pháp phải công nhận độc lập dân tộc, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam; mở ra cho cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Tại Ninh Thuận, đáp lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Đảng và Bác Hồ, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng dậy "Thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ". Từ ngày 19-12-1946 đến giữa năm 1948 phong trào du kích chiến tranh trong tỉnh phát triển mạnh, ta liên tục tấn công địch (đánh 94 trận), tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực, phá huỷ và thu nhiều chiến lợi phẩm của địch. Đến tháng 10-1950, Tỉnh uỷ mở Hội nghị đánh giá tình hình và bàn về nhiệm vụ đợt hoạt động Đông Xuân 1950-1951, tỉnh tiếp tục mở nhiều chiến dịch tấn công địch. Trong những năm 1952, 1953 các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Hội nghị Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần II đã từng bước được thực hiện, phong trào cách mạng trong tỉnh phát triển mọi mặt. Từ tháng 4 đến tháng 6-1954, thực hiện nhiệm vụ phối hợp với chiến trường chính của Liên khu, dưới sự lãnh đạo của Thường vụ Tỉnh uỷ, quân dân trong tỉnh đánh địch 35 trận, diệt 8 cứ điểm, 9 tháp canh, bức rút 26 cứ điểm và tháp canh, diệt hàng trăm tên địch..., tổng cộng có hơn 1.000 tên bị loại, ta thu hàng trăm súng các loại, giải tán 51 ban hội tề. Qua đợt hoạt động này ta đã diệt được một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, buộc chúng phải rút về cố thủ Phan Rang-Tháp Chàm, giải phóng hầu hết vùng nông thôn ở đông bằng (chỉ còn Hoà Trinh). Như vậy từ tháng 12-1951 đến tháng 5-1954 nhờ chỉnh đốn lực lượng, quyết tâm xây dựng và bảo vệ căn cứ, đẩy mạnh tấn công địch cả ở đồng bằng và thị xã, tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp chặt chẽ với cuộc tấn công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 trong cả nước, với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, đưa đến việc ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ vào ngày 20-7-1954.
3. Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975):
3.1. Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chính trị ở miền Nam, “Đồng khởi” làm thất bại một hình thức thống trị điển hình bằng chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ (1954 – 1960):
Sau năm 1954, miền Bắc hừng hực khí thế cách mạng bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa, cải cách ruộng đất, phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế, đã tạo ra những chuyển biến to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội, là chỗ dựa, hậu phương lớn của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Ở miền Nam, Mỹ ra sức xây dựng quân Ngụy, chỉ huy chính quyền Diệm đàn áp đẫm máu những người yêu nước ở miền Nam, hô hào “Bắc tiến”, “lấp sông Bến Hải”; mở các chiến dịch lớn đánh vào nhân dân, trả thù những người kháng chiến, thẳng tay thi hành cái gọi là “quốc sách tố cộng, diệt cộng”, “Luật 10/59”…
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II vào tháng 01-1959) xác định con đường, mục tiêu, phương pháp cách mạng ở miền Nam, mối quan hệ giữa hai chiến lược cách mạng ở hai miền Bắc và miền Nam, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 28-8-1959 nhân dân nhiều xã trong huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) nổi dậy giành chính quyền. Ngày 17-01-1960, nhân dân các huyện Mỏ Cày, Minh Tân, Thạnh Phú tỉnh Bến Tre nhất loạt nổi dậy, phá thế kìm kẹp, tạo nên phong trào “Đồng khởi” lan rộng ra nhiều tỉnh ở Nam Bộ, Khu 5, Tây Nguyên.
Từ phong trào Đồng khởi, lực lượng vũ trang và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp của ta từng bước hình thành, Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập. Miền Bắc, mở đường bộ 559, đường biển 759 chi viện cho miền Nam. Cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam được phát động một cách độc đáo, khéo léo, phù hợp với thời cơ lịch sử. Vì vậy đế quốc Mỹ vội vàng thay đổi chiến lược, chuyển sang dùng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.
3.2. Đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, tiếp tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1961 - 1965) :
Để đối phó với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng miền Nam, đế quốc Mỹ đã thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”: dùng quân đội ngụy là công cụ tiến hành chiến tranh, với tiền của, vũ khí và sự chỉ huy của Mỹ, càn quét, dồn dân, theo chiến thuật “tát nước bắt cá”.
Với kinh nghiệm đấu tranh, nhân dân miền Nam đã sáng tạo ra hình thức tiến công “Hai chân (quân sự, chính trị), ba mũi (quân sự, chính trị, binh vận), ba vùng (vùng núi, đồng bằng, thành thị)” đã làm thất bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
Sau những thất bại liên tiếp của ngụy quân, ngụy quyền ở miền Nam, nhằm cứu vãn cho những gì đã mất, Mỹ dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc bộ”. Ngày 5-8-1964, Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân đánh ồ ạt các khu vực sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội (thành phố Vinh), Lạch Trường (Thanh Hóa), Bãi Cháy (Quảng Ninh); các đơn vị hải quân, phòng không, dân quân tự vệ đã hiệp đồng chặt chẽ, mưu trí, dũng cảm, chiến đấu ngoan cường, bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống nhiều giặc lái. Ngày 5-8 trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Bộ đội Hải quân Việt Nam.
3.3. Cả nước có chiến tranh, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, mở ra giai đoạn “Vừa đánh vừa đàm” ( giữa 1965 đến 1968):
- Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”: sử dụng quân Mỹ làm lực lượng cơ động chủ yếu để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta; quân ngụy làm lực lượng chiếm đóng, bình định, kìm kẹp nhân dân hòng đánh bại cách mạng miền Nam. Từ giữa 1965-1967, chúng đưa vào miền Nam hơn 500.000 quân Mỹ và quân đội một số nước chư hầu, đồng thời sử dụng không quân và hải quân mở chiến dịch “Sấm rền”, đánh phá ác liệt nhằm “đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”, ngăn chi viện từ miền Bắc và quốc tế vào miền Nam.
Quân dân miền Bắc đã anh dũng chiến đấu, đánh trả không quân, hải quân địch, giành nhiều thắng lợi. Trong 4 năm (1964-1968), quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 3.243 máy bay các loại, bắt sống nhiều giặc lái, bắn chìm và bắn cháy 143 tàu chiến. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 (3-1965), lần thứ 12 (12-1965) khóa III, Trung ương Đảng hạ quyết tâm động viên lực lượng cả nước kiên quyết đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi lịch sử, Người khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đoàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, miền Bắc đã phát động nhiều phong trào thi đua ái quốc, tạo nên ý chí mới, sức mạnh mới để toàn dân đánh giặc. Trên chiến trường miền Nam, lực lượng vũ trang đã tổ chức các đợt tiến công, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ-Ngụy; mở đầu là chiến thắng Núi Thành, Quảng Nam (26-5-1965), tiếp đó là các chiến công vang dội đập tan hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965-1966) đã đẩy Mỹ vào thế tiến thoái lưỡng nan, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bị phá sản.
Thực hiện chủ trương của Đảng, quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, nhằm giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ; cuộc Tổng tiên công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của ta như “Một đòn sét đánh” đối với bọn trùm xâm lược Mỹ, làm choáng vàng cả nước Mỹ và chấn động dư luận thế giới. Thắng lợi của cuộc Tổng tiên công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã làm cho ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ lung lay nghiêm trọng, buộc Mỹ phải đàm phán với ta tại Hội nghị Pari; ta có điều kiện mở ra mặt trận tiến công mới về ngoại giao “vừa đánh, vừa đàm”.
3.4. Đánh thắng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và cuộc tập kích bằng không quân, hải quân lần thứ hai vào miền Bắc của đế quốc Mỹ (từ 1969 đến cuối 1973):
Thất bại trên chiến trường miền Nam, Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; “Dùng người Việt giết người Việt”, mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương. Quân và dân ta đã phối hợp với Lào, Campuchia, đánh địch trên khắp chiến trường, đập tan quá trình tiến công, phản kích bằng các cuộc hành quân lớn của địch.
Đầu năm 1972, ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam, làm thay đổi so sánh lực lượng và thay đổi cục diện chiến tranh, dồn Mỹ và chính quyền Thiệu vào thế yếu trầm trọng hơn. Với tinh thần dũng cảm, bằng cách đánh mưu trí, linh hoạt, quân và dân miền Bắc đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược lần thứ hai bằng B52 của Mỹ, bắn rơi hơn 600 máy bay, trong đó có chiếc thứ 4.000 bị bắn rơi trên miền Bắc, bắn chìm và bắn cháy gần 100 tàu chiến.
Thắng lợi to lớn của quân và dân trên hai miền Nam-Bắc, buộc Mỹ phải ký kết “Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” (27-01-1973), cam kết tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, chấm dứt dính líu về quân sự, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam; quân và dân ta đã thực hiện trọn vẹn lời chúc mừng năm mới của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút” và tiến tới “đánh cho ngụy nhào”.
3.5. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất Tổ quốc (cuối 1973 đến 30-4-1975):
Hiệp định Pari được ký kết, nhưng với bản chất ngoan cố, đế quốc Mỹ không chịu từ bỏ âm mưu duy trì chế độ thực dân mới, chia cắt lâu dài đất nước ta; chúng tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự, điều khiển chính quyền Thiệu ra sức củng cố ngụy quân, ngụy quyền, mở các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ” lấn chiếm vùng giải phóng.
Nắm được âm mưu của địch, tại Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10-1974 và đầu năm 1975, Đảng ta đã đánh giá so sánh lực lượng và đề ra quyết tâm giải phóng miền Nam. Để giành thắng lợi quyết định, chúng ta đã phải tập trung xây dựng các đơn vị chủ lực Quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232, đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội ta cả về quy mô tổ chức, trang bị, vũ khí, kỹ thuật, có đủ khả năng mở các chiến dịch với quy mô lớn trên các hướng chiến lược, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giải phóng miền Nam.
Với thế và lực mới, ta tiến công giải phóng Phước Long (6-01-1975). Ngày 4-3-1975, ta mở Chiến dịch Tây nguyên, ngày 10-3-1975, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột; Tiếp đó từ ngày 14-3 đến 3-4-1975 quân ta tiến công tiêu diệt nhiều vị trí quan trọng giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, Gia Lai và toàn bộ Tây Nguyên. Ngày 19-3-1975, ta giải phóng Quảng Trị, 25-3 giải phóng Huế, 29-3 giải phóng Đà Nẵng, 01-4 giải phòng Bình Định, Phú yên; ngày 3-4 giải phóng Khánh Hòa nối liền giải phóng từ Tây Nguyên, Trị Thiên và các tỉnh Trung bộ.
Trên cơ sở những thắng lợi có ý nghĩa quyết định, ngày 14-4-1975 Bộ Chính trị ra quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn-Gia Định và hoàn toàn miền Nam. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, các đơn vị chủ lực của quân đội ta đã thực hiện cuộc hành quân thần tốc, tiến về giải phóng Sài Gòn. Bằng sức mạnh tiến công mạnh mẽ của 5 cánh quân chủ lực, 17h00 ngày 26-4, các lực lượng của ta trên tất cả 5 hướng chiến dịch đều nổ súng tiến công.
Ngày 29-4 ta tiến hành tổng tiến công trên toàn mặt trận, quân địch hoang mang cao độ, tan rã, rút chạy đầu hàng từng bộ phận, tướng tá ngụy tranh nhau di tản, chỉ huy rối loạn; quần chúng nhân dân ở từng hướng được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang nổi dậy giành chính quyền, truy quét tàn quân địch.
Ngày 30-4, các binh đoàn đột kích thọc sâu kết hợp với lực lượng bên trong nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch ở nội thành; Binh đoàn hỗn hợp Quân đoàn 2 chiếm “Dinh độc lập” lúc 10h45 phút, bắt toàn bộ ngụy quyền Trung ương, buộc chúng tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11h30 phút ngày 30-4-1975, cờ giải phóng đã tung bay trước tòa nhà chính Dinh độc lập; chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Lời chúc mừng năm mới của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” đã trở thành hiện thực.
3.6. Đảng bộ, dân và quân Ninh Thuận cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975):
Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong điều kiện đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ngay những ngày đầu đã tìm cách phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, tăng cường đàn áp, khủng bố lực lượng cách mạng, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, phong trào cách mạng được củng cố và phát triển. Đặc biệt từ khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, các đội tự vệ, du kích và bộ đội địa phương lần lượt ra đời. Có vũ trang hỗ trợ, phong trào cách mạng có bước phát triển, nổi rõ nhất là từ tháng 02 đến tháng 4-1959, quân dân Bác Ái đã đồng loạt nổi dậy phá khu tập trung của địch, tiến tới giải phóng huyện Bác Ái vào ngày 30-8-1960, trở thành địa phương đầu tiên được giải phóng ở miền Nam. Từ đây lực lượng cách mạng địa phương phát triển nhanh, mạnh về mọi mặt. Khi đế quốc Mỹ tiến hành các chiến lược chiến tranh: chiến tranh đặc biệt (1961-1965), chiến tranh cục bộ (1965-1968), Việt Nam hóa chiến tranh (1969-1972), với ý chí kiên cường và truyền thống đấu tranh bất khuất, dân và quân Ninh Thuận đã đồng loạt nổi dậy tấn công tiêu diệt địch, góp phần làm thất bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ.
Trong những năm 1973, 1974, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta ở miền Nam diễn ra sôi động; ta tiếp tục thắng, địch liên tiếp thất bại, cục diện chiến trường theo chiều hướng có lợi cho ta. Thực hiện chủ trương của Bộ chính trị, Khu uỷ và Quân khu 6, Tỉnh uỷ Ninh Thuận đã lãnh đạo bộ đội địa phương, dân quân du kích, nhân dân trong tỉnh phối hợp với các lực lượng chủ lực của Trung ương và Quân khu chi viện, vùng lên tấn công và nổi dậy đánh đổ chế độ Mỹ- Ngụy, giải phóng tỉnh nhà. Sáng ngày 14-4-1975, tiếng pháo công kích của quân ta bắt đầu bắn vào điểm chốt của địch ở Bà Râu, Suối Đá, Kiền Kiền, Ba Tháp, Núi Đất và sân bay Thành Sơn. Đến sáng ngày 16-4-1975, lệnh tấn công được phát ra, lực lượng ta chia làm 3 mũi chính: Mũi thứ nhất có xe tăng dẫn đầu tiến theo đường Quốc lộ 1, sau khi đánh chiếm Phan Rang sẽ tiến lên sân bay Thành Sơn từ hướng Nam; Mũi thứ 2 từ hướng Tây Bắc đánh thẳng vào sân bay Thành Sơn; Mũi thứ 3 đánh chiếm Cảng Ninh Chữ, không cho địch tháo chạy ra biển. Đến 9h30 phút ngày 16-4-1975 cờ Mặt trận giải phóng phấp phới tung bay trên đỉnh Toà hành chính- cơ quan đầu não ngụy quyền Ninh Thuận, tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng vào ngày 16-4-1975. Tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn bị đập tan đã tạo thế mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
4. Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1975 - 2012):
4.1. Khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên trong giai đoạn mới:
Sau 30 năm chiến tranh, đất nước bị tàn phá nặng nề, nhiệm vụ của Quân đội được Trung ương Đảng nêu rõ: “ra sức bảo vệ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta,… bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, vùng biên giới và hải đảo của nước Việt Nam thống nhất”. Đồng thời “tích cực tham gia sản xuất, góp phần xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”.
Trong giai đoạn mới của đất nước, Quân đội ta đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị trên mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng: bước đầu giữ quân số thích hợp; thi hành nghĩa vụ quân sự kết hợp với nghĩa vụ lao động; triển khai quân đội làm hai nhiệm vụ chiến lược sẵn sàng chiến đấu và xây dựng kinh tế; tăng cường bố trí phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu; nâng cao chất lượng cán bộ, chiến sĩ; xây dựng nền nếp chỉ huy chặt chẽ để nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu; từng bước tự lực sản xuất một số loại vũ khí cần thiết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó: bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ chủ nghĩa xã hội; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế; duy trì trật tự kỷ cương, an toàn xã hội; giữ vững ổn định chính trị đất nước; năng ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Trên mặt trận xây dựng kinh tế, cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tích cực lao động sản xuất, tham gia xây dựng tuyến đường sắt thống nhất Bắc-Nam; khai hoang xây dựng các vùng kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng các công trình thủy lợi, đường giao thông, khai thác và chế biến hải sản, xây dựng cơ bản, sản xuất vật liệu xây dựng…, góp phần xây dựng kinh tế, tăng thêm của cải cho xã hội.
4.2. Cùng toàn dân đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược biên giới và làm tròn nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia:
Tháng 4-1977, Tập đoàn Pôn Pốt - Iêngxari đã phát động chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam nước ta. Mùa khô năm 1978, chúng huy động nhiều sư đoàn mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới. Trước tình hình đó, Đảng ta chủ trương tập trung lực lượng giành thắng lợi ở biên giới Tây Nam, sẵn sàng đối phó với các tình huống, kiến quyết đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng của nhân dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta trên toàn tuyến biên giới Tây Nam đẩy mạnh phản công và tiến công, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêngxari, đuổi chúng về bên kia biên giới. Ở biên giới phía Bắc, quân và dân ta đã giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
4.3. Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa:
Thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh quốc tế, trong nước diễn biến phức tạp, quân đội ta đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và ý chí cách mạng tiến công, cùng toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chủ động và kiên quyết thực hiện tốt nhiệm vụ cấp bách hàng đầu là phòng chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và thành quả cách mạng của nhân dân.
Cùng với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quân đội ta đã tham gia phòng chống thiên tai, bão lụt, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, hình ảnh và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng tỏa sáng.
Trong nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, quân đội đã giữ vững vai trò là lực lượng nòng cốt; tích cực tham gia có hiệu quả vào công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân, tích cực tham gia củng cố, xây dựng cơ sở chính trị địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, địa bàn, biên giới, hải đảo.
Trong xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tập trung nâng cao một bước chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, luôn luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Những năm gần đây các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt công tác huấn luyện, bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc” sát với yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với biên chế tổ chức, trang bị và cách đánh của ta, coi trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ sĩ quan; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học quân sự và tiến độ nghiên cứu biên soạn hoàn thiện hệ thống giáo trình, giáo khoa, tài liệu huấn luyện thống nhất trong quân đội.
Đối với nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, quân đội ta đã đạt được những thành tựu mới trên tất cả các lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào lĩnh vực quốc phòng.
4.4. Đảng bộ, dân và quân Ninh Thuận phát huy truyền thống anh hùng trong 2 cuộc kháng chiến, ra sức bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp:
Bước vào thời kỳ mới, Đảng bộ, quân và dân Ninh Thuận vừa có thuận lợi cơ bản, đồng thời cũng đứng trước không ít những khó khăn, thách thức. Qua 37 năm xây dựng và bảo vệ quê hương (1975-2012), 20 năm tái lập tỉnh (1992-2012), với những thành tựu đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... đã tạo tiền đề và mở ra thời kỳ phát triển mới, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Năm 2012, là năm có nhiều khó khăn, kinh tế thế giới tuy đang được phục hồi, nhưng còn chậm và biến động phức tạp, thương mại toàn cầu giảm mạnh, các nền kinh tế lớn thâm hụt ngân sách gặp nhiều khó khăn, các nền kinh tế mới nổi phát triển chậm lại đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu, kinh doanh du lịch và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong nước kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định, tình hình lạm phát tuy được kiềm chế nhưng chưa vững chắc, thị trường tài chính diễn biến, lãi suất ngân hàng những tháng cuối năm có giảm nhưng khả năng tiếp cận nguồn vốn còn nhiều khó khăn, đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ, cắt giảm đầu tư công, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, các cấp ủy đảng, các ngành, các địa phương và nhân dân trong tỉnh đã tích cực vượt qua khó khăn, cơ bản hoàn thành tốt mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực. Khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh không ngừng được củng cố và tăng cường. Trải qua hơn một phần ba thế kỷ phấn đấu liên tục xây dựng và đấu tranh bảo vệ quê hương; toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân Ninh Thuận đã kế tục xứng đáng và phát huy truyền thống cách mạng trong những năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, viết tiếp trang sử hào hùng và giành nhiều thành tựu quan trọng trong thời kỳ đổi mới.
Vinh dự và tự hào với Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” mà Đảng và Nhà nước trao tặng, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân Ninh Thuận tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng tiến công, tăng cường đoàn kết trong nội bộ Đảng và trong nhân dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng ở các cấp, các ngành, phát huy sức mạnh toàn dân, huy động mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh, xây dựng Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh.
5. Truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam:
Một là, trung thành vô hạn với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Hai là, quyết chiến, quyết thắng, biết đánh và biết thắng.
Ba là, gắn bó máu thịt với nhân dân, quân với dân một ý chí.
Bốn là, đoàn kết nội bộ, cán bộ, chiến sĩ bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, thương yêu giúp đỡ nhau, trên dưới đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động.
Năm là, kỷ luật tự giác nghiêm minh.
Sáu là, độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, cần kiệm, xây dựng quân đội, xây dựng đất nước, tôn trọng và bảo vệ của công.
Bảy là, lối sống trong sạch lành mạnh, có văn hóa, trung thực, khiêm tốn, giản dị, lạc quan.
Tám là, luôn luôn nêu cao tinh thần ham học, cầu tiến bộ.
Chín là, đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, chí nghĩa, chí tình.
II. HAI MƯƠI BA NĂM THỰC HIỆN “NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN” (22/12/1989 – 22/12/2012)
Ngày 17-10-1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) quyết định lấy ngày 22-12 là Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời là Ngày Hội quốc phòng toàn dân. Hai mươi năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân, đã thu được những thành tựu quan trọng sau đây:
Một là, giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm môi trường, ổn định hòa bình và an ninh cho sự phát triển đất nước; làm thất bại nhiều âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hai là, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được tăng cường, tăng thêm khả năng ngăn chặn và loại trừ nguy cơ chiến tranh và khả năng đối phó thắng lợi các tình huống chiến tranh và các tình huống xâm phạm an ninh quốc gia, nếu xảy ra.
Ba là, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của toàn xã hội và sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.
Bốn là, hoàn thành thế chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc được triển khai rộng khắp, chặt chẽ và liên hoàn; thế trận lòng dân được củng cố.
Năm là, lực lượng vũ trang mà nòng cốt là có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, phát huy được vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
III. XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM CÁCH MẠNG, CHÍNH QUY, TINH NHUỆ, TỪNG BƯỚC HIỆN ĐẠI; XÂY DỰNG NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN VỮNG MẠNH, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ TRONG THỜI KỲ MỚI.
1. Xây dựng đất nước phải gắn chặt với bảo vệ Tổ quốc:
Quán triệt và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng đất nước phải đi đôi với bảo vệ Tổ quốc, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phải góp phần tích cực cùng với toàn Đảng, toàn dân làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, chủ động đối phó thắng lợi với mọi tình huống có thể xảy ra.
2. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh:
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện nền Quốc phòng toàn dân trên từng địa bàn tỉnh, thành phố. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh. Đầu tư thỏa đáng cho công nghiệp quốc phòng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra.
3. Xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới:
Xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn... Tăng cường xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, bảo đảm cho Quân đội thống nhất cả ý chí và hành động. Xây dựng Quân đội nhân dân có đời sống vật chất tinh thần tốt, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả vũ khí trang bị kỹ thuật.
Kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 23 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang, những chiến công oanh liệt của Quân đội và nhân dân ta. Qua đó khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí quật cường, ý thức tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ra sức xây dựng nền Quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cách mạng; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
* KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN
1. Nhiệt liệt chào mừng 68 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2012) và 23 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân (22-12-1989 – 22-12-2012)!
2. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Ninh Thuận quyết tâm thực hiện thắng lợi Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"!
3. Phát huy truyền thống cách mạng, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân Ninh Thuận ra sức thi đua quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà!
4. Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại!
5. Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
6. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
7. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY