ASEAN - Ấn Độ xác định lộ trình nâng quan hệ lên đối tác chiến lược

Ngay sau khi Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Ấn Độ kết thúc, chiều ngày 21-12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã trả lời báo chí về kết quả Hội nghị.

(Ảnh: Chinhphu.vn)

Xin Thứ trưởng cho biết kết quả và ý nghĩa Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN-Ấn Độ vừa diễn ra?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Ấn Độ được tổ chức từ ngày 20-21/12, tại Thủ đô New Dehli của Ấn Độ với chủ đề “Đối tác ASEAN-Ấn Độ vì Hòa bình và Thịnh vượng chung”.

Lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ đã tham dự Hội nghị. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu. Hội nghị đã thành công tốt đẹp và đã đề ra những định hướng quan trọng nhằm đưa quan hệ ASEAN-Ấn Độ lên tầm cao mới, vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của hai bên cũng như của khu vực.

Thứ nhất, Lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ nhất trí cao về tầm quan trọng của quan hệ đối thoại và đánh giá cao những tiến bộ và kết quả to lớn đã đạt được trong 20 năm qua (1992-2012). Trong khuôn khổ quan hệ Đối thoại và Đối tác vì Hòa bình, Tiến bộ và Thịnh vượng chung, quan hệ ASEAN-Ấn Độ ngày càng được tăng cường và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, đến khoa học-công nghệ, năng lượng, nông nghiệp, giáo dục, y tế, môi trường…

Về kinh tế, thương mại, trong 20 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 25 lần, đạt gần 75 tỷ USD vào năm 2011, vượt xa mục tiêu 70 tỷ USD đặt ra cho năm 2012. Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ sáu của ASEAN.

Từ Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện (2003), hai bên đã ký và triển khai Hiệp định Thương mại Hàng hóa (có hiệu lực từ tháng 1/2010) và đang hướng tới hoàn tất xây dựng khu vực mậu dịch tự do toàn diện (bao gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư).

Về chính trị, an ninh, hai bên chia sẻ nhận thức chung về bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực. Ấn Độ là một trong hai nước đầu tiên ngoài Đông Nam Á tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), đồng thời tích cực tham gia và có những đóng góp quan trọng tại các khuôn khổ hợp tác khu vực của ASEAN như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF)…

ASEAN đánh giá cao việc Ấn Độ luôn ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, cũng như những đóng góp xây dựng và tích cực nêu trên của Ấn Độ, vì hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực.

Hội nghị cũng đánh giá cao kết quả hợp tác hai bên và những đóng góp quan trọng của Ấn Độ vào việc xây dựng Cộng đồng và các mục tiêu ưu tiên của ASEAN, cũng như việc tăng cường liên kết, kết nối và ứng phó với các thách thức chung đang đặt ra ở khu vực.

ASEAN đánh giá cao các sáng kiến và đóng góp của Ấn Độ như thông qua Quỹ Hợp tác ASEAN-Ấn Độ (Ấn Độ đã cấp hơn 11 triệu USD trong giai đoạn 1994-2010 và cam kết 50 triệu USD cho giai đoạn 2010-2015), Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ ASEAN-Ấn Độ (trị giá 1 triệu USD), Quỹ Xanh ASEAN-Ấn Độ (trị giá 5 triệu USD)…

Thứ hai và cũng là kết quả quan trọng nhất lần này, đó là việc lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ đã nhất trí quyết định nâng quan hệ hai bên lên tầm đối tác chiến lược và thông qua Tuyên bố Tầm nhìn nhằm định hướng quan hệ ASEAN-Ấn Độ trong những thập kỷ tới trên tất cả các mặt.

Trong chính sách Hướng Đông giai đoạn mới, Ấn Độ coi ASEAN là một trụ cột đặc biệt quan trọng, nhân tố đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, đồng thời tích cực ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.

ASEAN đánh giá cao những đóng góp tích cực của Ấn Độ vừa qua, đồng thời khuyến khích và ủng hộ Ấn Độ có vai trò và đóng góp nhiều hơn nữa đối với những vấn đề thuộc quan tâm chung của khu vực, nhất là bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực.

Thứ ba, trên cơ sở tầm nhìn đó, lãnh đạo hai bên đã đề ra những định hướng hợp tác cụ thể trên từng lĩnh vực, đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường các nội hàm chiến lược trên tất cả các lĩnh vực.

Cụ thể, về chính trị, an ninh, hai bên nhất trí phấn đấu vì một Châu Á hòa bình và thịnh vượng; tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp, đối thoại quốc phòng - an ninh, tăng cường xây dựng lòng tin và cùng phối hợp giải quyết các vấn đề thuộc quan tâm chung ở khu vực; thúc đẩy xây dựng cấu trúc khu vực với ASEAN đóng vai trò trung tâm và phát huy các khuôn khổ hợp tác ở khu vực như ARF, EAS, ADMM+…

Hai bên khẳng định tăng cường hơn nữa hợp tác biển và an ninh biển, đặc biệt là việc bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982.

Về kinh tế, hai bên quyết tâm khai thác đầy đủ và phát huy tiềm năng to lớn về hợp tác kinh tế, thương mại ASEAN - Ấn Độ với số dân 1,8 tỷ người và GDP 3.800 tỷ USD.

Theo đó, cùng với tuyên bố kết thúc đàm phán hai Hiệp định Thương mại Dịch vụ và Hiệp định Đầu tư, hai bên sẽ sớm xây dựng Khu vực Mậu dịch Tự do toàn diện ASEAN-Ấn Độ; tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); đồng thời đạt mục tiêu 100 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2015, hướng tới mục tiêu 200 tỷ USD trong 10 năm tới.

Hai bên đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường kết nối giữa ASEAN và Ấn Độ cũng như hợp tác tiểu vùng, trong đó có Tiểu vùng Mêkông, làm cơ sở tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai bên. Sắp tới, hai bên sẽ tập trung nguồn lực để triển khai nhiều dự án kết nối quan trọng như xây dựng Hành lang Kinh tế Mêkông - Ấn Độ, đẩy nhanh xây dựng Tuyến đường cao tốc Ấn Độ-Myanmar-Lào-Việt Nam-Campuchia, mở rộng Tuyến đường cao tốc Tam giác Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan sang Lào và Campuchia.

Hai bên cũng sẽ tăng cường hợp tác về văn hóa, giao lưu nhân dân, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, và giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, đô thị hóa, quản lý thiên tai, ma túy…

Có thể khẳng định Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ là mốc quan trọng trong quan hệ đối tác ASEAN-Ấn Độ và tạo động lực cho quan hệ hợp tác giữa hai bên phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Xin Thứ trưởng cho biết đóng góp của Đoàn Việt Nam vào kết quả của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm quan hệ ASEAN-Ấn Độ, cũng như quan hệ song phương Việt Nam-Ấn Độ?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Như trên đã nêu, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu, đã có những đóng góp quan trọng vào thành công chung của Hội nghị. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến song phương với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và tiếp lãnh đạo một số đảng chính trị lớn của Ấn Độ (Đảng Quốc đại, Đảng Nhân dân, Đảng Cộng sản và Đảng Cộng sản Mác-xít Ấn Độ).

Thứ nhất, trong phát biểu quan trọng tại Phiên toàn thể của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm quan hệ ASEAN-Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng và ủng hộ việc nâng quan hệ ASEAN-Ấn Độ lên tầm đối tác chiến lược, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ trên tất cả các lĩnh vực.

Đáng chú ý, Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hơn nữa quan hệ ASEAN-Ấn Độ và nhất trí thông qua Tuyên bố Tầm nhìn và ủng hộ việc nâng cấp quan hệ ASEAN-Ấn Độ lên đối tác chiến lược, tin tưởng rằng điều này vừa phản ánh quyết tâm chính trị của hai bên vừa là nền tảng vững chắc cho phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác trong thời gian tới.

Việt Nam đánh giá cao vai trò quan trọng của Ấn Độ đối với hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ, coi ASEAN là trụ cột chính để mở rộng hợp tác và liên kết kinh tế với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Ấn Độ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ASEAN và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, tham gia tích cực và đóng góp xây dựng vào các cơ chế hợp tác khu vực hiện nay như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng…, xây dựng các chuẩn mực và giải quyết các thách thức an ninh khu vực bao gồm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng.

Đồng thời đề nghị Ấn Độ ủng hộ ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và ủng hộ ASEAN thực hiện Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông nhằm bảo đảm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Thứ hai, về quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, chuyến thăm Ấn Độ lần này diễn ra đúng vào Năm Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ và hai nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Tại cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Manmohan Singh, hai bên đã đánh giá cao mối quan hệ đối tác chiến lược, hữu nghị, truyền thống lâu đời Việt Nam - Ấn Độ, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp và nhất trí tiếp tục đưa mối quan hệ này ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực, cả về chiều rộng và chiều sâu.

Theo đó, hai nước sẽ tập trung nỗ lực tăng cường hợp tác trên 5 trụ cột chính mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận trong quá trình triển khai quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, tăng cường sự gắn bó và tin cậy trong quan hệ chính trị giữa hai bên. Trong đó, hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao, các bộ, ngành và địa phương; tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác sẵn có như ủy ban hỗn hợp, tham khảo chính trị, đối thoại chiến lược, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác theo các kênh Đảng, Quốc hội, đoàn thể và giao lưu nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều từ 4 tỷ USD hiện nay lên 7 tỷ USD vào năm 2015; tiếp tục khai thác các tiềm năng hợp tác giữa hai nước, như tăng cường đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam và hàng hóa Việt Nam sang Ấn Độ.

Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng, trong đó có việc thực hiện các bản ghi nhớ về hợp tác đã ký giữa hai Bộ Quốc phòng cũng như việc sớm thiết lập cơ chế đối thoại an ninh giữa Bộ Công an hai nước.

Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, một trong những lĩnh vực mà Ấn Độ rất có thế mạnh, trong đó có khoa học công nghệ thông tin, sinh học, vũ trụ, công nghệ nano và hải dương học. Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục đào tạo, trong đó đào tạo nguồn nhân và giao lưu văn hóa để nhân dân hai nước hiểu biết nhau hơn được coi là trọng tâm hàng đầu.

Đồng thời, hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng khác như năng lượng, nông lâm nghiệp, chăn nuôi thủy hải sản và gia súc, hợp tác giao thông vận tải, hàng không, du lịch…

Hai Thủ tướng cũng đánh giá cao kết quả và nhất trí tăng cường sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, APEC, ASEM, WTO, EAS, ASEAN…

Việt Nam hoan nghênh chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ, coi ASEAN là một trụ cột hợp tác chính ở khu vực, đồng thời đánh giá cao vai trò và ủng hộ sự đóng góp tích cực của Ấn Độ vào các mục tiêu chung của khu vực, nhất là về hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực, trong đó có đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982, thực hiện Tuyên bố về Ứng xử giữa các Bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) ở Biển Đông.

Nguồn www.chinhphu.vn