Quy định về dạy thêm, học thêm: Làm gì để đạt được hiệu quả và mục tiêu ?

(NTO) Quy định mới về quản lý dạy thêm, học thêm (DTHT) thuộc chương trình giáo dục phổ thông đã được các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ban hành bằng văn bản quy phạm pháp luật và đã có hiệu lực pháp luật (Bộ Giáo dục và Đào tạo: Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012; tỉnh Ninh Thuận: Quyết định số 62/2012/QĐ-UBND ngày 22/10/2012 của UBND tỉnh) và đó là ý chí của Nhà nước trong quản lý DTHT.

Để thực sự phát huy hiệu quả khi tổ chức triển khai thực hiện trong thực tiễn, cần phân tích làm rõ một số vấn đề liên quan đến quy định về DTHT.

Thứ nhất, về nhận thức pháp luật trong quản lý DTHT: Hoạt động DTHT không phải là một nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật của Nhà nước đối với các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường, cơ sở giáo dục, nhà giáo và người học cũng như không điều chỉnh trong quyền và nghĩa vụ (Luật giáo dục; Điều lệ nhà trường, cơ sở giáo dục khác của các cấp học đã thể hiện rõ). Trong Luật Giáo dục (sửa đổi, bổ sung năm 2009) các điều, khoản liên quan đến hoạt động DTHT thuộc các hành vi nhà giáo không được làm và cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục. Cụ thể, tại Điều 75, quy định các hành vi nhà giáo không được làm: “Xuyên tạc nội dung giáo dục”; “Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền”. Tại Điều 20: “Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục”.

“Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc, kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, phá hoại thuần phong mỹ tục, truyền bá mê tín, hủ tục, lôi kéo người học vào các tệ nạn xã hội.”

“Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi.”

Dạy thêm, học thêm là một hoạt động phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học theo quy định của pháp luật và được cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục giao nhiệm vụ cho các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường, cơ sở giáo dục, nhà giáo và người học. Một hoạt động phát sinh trong thực tiễn luôn tồn tại 2 mặt. (tích cực và hạn chế, tiêu cực). Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục phải có trách nhiệm đưa hoạt động phát sinh này vào để quản lý và công cụ để quản lý đó là xây dựng các quy tắc, quy định mang tính “chế tài” để tác động đến các chủ thể của hoạt động phát sinh, mục tiêu là tạo thuận lợi cho mặt tích cực phát triển và loại bỏ mặt tiêu cực. Tính chất phát sinh của hoạt động DTHT ở mỗi địa phương mỗi khác, trên cơ sở quy định chung do Bộ GD-ĐT ban hành, các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục cấp tỉnh, thành phố sẽ cụ thể hóa, phù hợp nhằm quản lý đạt hiệu quả và mục tiêu đối với hoạt động DTHT. Có nơi siết chặt vì DTHT ở đó phát triển theo chiều hướng mang tính thương mại hóa, tiêu cực và là gánh nặng về tài chính và nỗi lo lắng, bức xúc cho một bộ phận lớn phụ huynh là người lao động có thu nhập thấp,…có nơi nới lỏng, có nơi áp dụng theo quy định của Bộ.

DTHT có thu tiền phải theo nguyên tắc học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý. Không tuân thủ nguyên tắc này là vi phạm pháp luật (Luật Giáo dục hiện hành).

Cơ quan Nhà nước, các cấp quản lý giáo dục, nhà trường, cơ sở giáo dục (công lập) không giao nhiệm vụ cho tổ chức, cá nhân tổ chức DTHT (dịch vụ công) mà xem xét cấp giấy phép nếu đáp ứng đầy đủ các quy định về dạy thêm, học thêm. Đối tượng được cấp giấy phép chịu trách nhiệm trước pháp và cơ quan cấp giấy phép về tuân thủ các quy định về DTHT để thực hiện đúng.

Thứ hai, Chủ thể trong DTHT bao gồm người tổ chức và người dạy, chủ yếu đó là cán bộ, công chức, viên chức đã, đang làm trong ngành giáo dục, kể cả cơ sở giáo dục ngoài công lập; là những người ý thức “rất cao” trong xã hội về trách nhiệm công dân trong chấp hành chính sách pháp luật nói chung và giáo dục nói riêng. Và như trên đã phân tích, tổ chức DTHT có thu tiền không phải là một nhiệm vụ được giao; điều đó cho thấy tính tích cực và tiêu cực trong DTHT chủ yếu do chủ thể dạy thêm quyết định. Hơn ai hết chủ thể dạy thêm phải là đối tượng được quán triệt và có tinh thần trách nhiệm, nhận thức đúng đắn về quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục đối với DTHT.

Chủ thể Học thêm là người học và trong quy định về DTHT hiện hành là học sinh (đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của học sinh là cha, mẹ, người đỡ đầu và là người đóng tiền học thêm). Trong DTHT, chủ thể học thêm có tính quyết định (nguyên tắc tự nguyện, không ép buộc học thêm để thu tiền). Chủ thể học thêm (học sinh và cả phụ huynh) cũng phải được các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường, cơ sở giáo dục triển khai đầy đủ, kỹ lưỡng về quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục đối với DTHT để “chủ động” trong việc quyết định học thêm đảm bảo nguyên tắc tự nguyện khi phát sinh nhu cầu. Cha, mẹ học sinh phải có trách nhiệm cùng với nhà trường, xã hội quản lý, giáo dục học sinh ngoài giờ học chính khóa.

Với việc phân tích hai vấn đề trên có thể thấy rằng: quy định về DTHT có đạt được hiệu quả và mục tiêu phát huy mặt tích cực, loại bỏ mặt tiêu cực (thương mại hóa trong giáo dục, tràn lan các biểu hiện ép buộc học sinh học thêm thông qua gà bài trong kiểm tra, thi cử, sơ sài trong giảng dạy chính khóa, tạo thêm áp lực về kiến thức, hình thành hành vi phụ thuộc không có tính độc lập trong tự học, vì học thêm từ cấp dưới lên cấp trên,…), đồng thời với việc đổi mới giáo dục liên quan đến mục tiêu, chương trình giáo dục theo hướng học để biết để làm, để hoàn thiện nhân cách,… không còn áp lực “học chỉ để thi”; không ai khác phải từ những người của ngành giáo dục (không phải là tất cả) nhưng là then chốt, bản chất, gốc rễ và sự cao quý của nghề dạy học. Và khi đó quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được hiệu quả và mục tiêu trong thực tiễn.