Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo cán bộ kiểm sát, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Sáng 6/12, Hội nghị toàn quốc ngành Kiểm sát nhân dân “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003” đã khai mạc tại Hà Nội. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những nỗ lực của ngành Kiểm sát nhân dân trong những năm qua, đã vượt qua khó khăn, thử thách, nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực về mọi mặt, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng chỉ ra: Đối chiếu với các yêu cầu của công tác tư pháp và nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thì kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn; chất lượng của công tác tư pháp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình, vẫn còn bỏ lọt tội phạm và còn oan, sai, ... Chính vì vậy, đòi hỏi cần phải đẩy mạnh cải cách tư pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TH

Để thực hiện tốt việc xây dựng Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) và Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị, việc tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tổ chức VKSND và BLTTHS phải được tiến hành công phu, nghiêm túc, có chất lượng. Qua tổng kết, phải làm rõ được những kết quả, ưu điểm nổi bật của các Luật này; phân tích sâu sắc, cụ thể để thấy rõ những quy định nào của Luật không còn phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung, những quy định nào của Luật đúng nhưng do tổ chức thực hiện chưa tốt cần chấn chỉnh lại; những quy định nào cần phải bổ sung để có thể giải quyết tốt những vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra. “Đây chính là cơ sở thực tiễn để đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Đồng thời, việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Tổ chức VKSND và BLTTHS phải quán triệt đầy đủ, đúng đắn quan điểm, chủ trương cải cách tư pháp thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Đặc biệt, tích cực đóng góp ý kiến vào quá trình sửa đổi Hiến pháp thời gian tới và cụ thể hóa trong Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi).

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu, tổ chức và hoạt động của VKSND theo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) phải đáp ứng mục tiêu chung của việc đổi mới các cơ quan tư pháp, đó là: Bảo đảm tính khoa học, đồng bộ, đề cao sự độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật, xác định đúng, đủ quyền năng, trách nhiệm pháp lý của từng cơ quan và từng chức danh tư pháp; qua đó xây dựng Viện kiểm sát thực sự trở thành thiết chế hữu hiệu trong kiểm soát việc thực hiện quyền lực tư pháp.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi BLTTHS 2003 phải tạo lập hệ thống các thủ tục dân chủ, công khai, minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn theo hướng tăng cường vai trò của người bào chữa để thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa; sửa đổi các quy định nhằm phân định rành mạch thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng tư pháp theo hướng tăng quyền ...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: Để đảm đương được trọng trách nêu trên, vấn đề có tính quyết định, đó là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, tinh thông về pháp luật, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Do đó, cần rà soát để sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn đối với kiểm sát viên nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Đổi mới thủ tục giới thiệu, tuyển chọn, bổ nhiệm kiểm sát viên; khẩn trương nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc đổi mới các quy định về thời hạn bổ nhiệm các chức danh tư pháp nói chung và chức danh kiểm sát viên nói riêng. Đồng thời, ngành Kiểm sát nhân dân cần tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm chủ động hơn trong công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu
chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu. Ảnh: TH

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị lần này như một sáng kiến rất có ý nghĩa, thể hiện sự nhạy bén và trách nhiệm cao của ngành Kiểm sát; tạo cơ hội cho các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tư pháp Trung ương, thành viên Ban soạn thảo, nhất là cán bộ, công chức, kiểm sát viên ... có điều kiện thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của VKSND và thủ tục tố tụng hình sự theo tinh thần và nội dung cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo báo cáo của VKSND tối cao, qua thực tiễn 8 năm thi hành BLTTHS năm 2003, bên cạnh những kết quả tích cực cũng nổi lên một số vấn đề vướng mắc, bất cập đó là: Quy định về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể và trình tự tiến hành các thủ tục tố tụng còn chưa thật sự hợp lý, rành mạch; thiếu các cơ chế pháp luật để Viện Kiểm sát thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; các quy định về thời hạn tố tụng còn chưa thật phù hợp hay vẫn còn những hoạt động tố tụng chưa bị ràng buộc bởi thời hạn, dẫn đến tùy tiện, lạm dụng trong thực tiễn; việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người chưa thành niên phạm tội chưa phù hợp với thực tế; trong hội nhập quốc tế, các quy định của BLTTHS mới chủ yếu dừng ở những nguyên tắc chung, thiếu các quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm...Những hạn chế nêu trên có nguyên nhân từ những vướng mắc, bất cập trong các quy định của BLTTHS; có nguyên nhân do tổ chức thi hành pháp luật. Chính vì vậy, việc sửa đổi BLTTHS là rất cần thiết nhằm thể chế hóa đầy đủ các yêu cầu cải cách tư pháp, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong Bộ luật hiện hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo vệ tốt hơn quyền con người trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TH

10 năm thực hiện Luật Tổ chức VKSND và 02 pháp lệnh của ngành (Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 (sửa đổi năm 2011) và Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự năm 2002), Viện kiểm sát các cấp đã kiểm sát chặt chẽ hoạt động tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, bảo đảm việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của cơ quan điều tra đúng pháp luật và kịp thời; chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, xét xử vụ án hình sự được nâng lên rõ rệt. Chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa xét xử vụ án hình sự từng bước được nâng cao. Kháng nghị của Viện kiểm sát các cấp được Tòa án chấp nhận đạt tỷ lệ cao. Những kết luận, kiến nghị kháng nghị của Viện kiểm sát đều được cơ quan thi hành án và cơ quan hữu quan chấp nhận, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự...Tuy nhiên, một số Viện kiểm sát chưa làm tốt việc kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra chưa thực sự phát huy được tính chủ động; việc thực hiện kiểm sát các hoạt động điều tra chưa chặt chẽ nên còn bỏ lọt tội phạm; công tác kiểm sát thi hành án hình sự, thi hành án dân sự kết quả chưa cao...

Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của VKSND theo yêu cầu cải cách tư pháp; bảo đảm thiết chế VKSND có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới, Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) cần điều chỉnh toàn diện các vấn đề: chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức và hoạt động, các lĩnh vực công tác, tổ chức cán bộ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của VKSND.

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 6-7/12. Tại Hội nghị, trên cơ sở phân tích thực tiễn tổ chức, hoạt động của ngành Kiểm sát, từ thực tiễn thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, các đại biểu đã cùng tập trung đánh giá, phân tích những thuận lợi, bất cập trong quy định của các Luật trên, từ đó, đề xuất nội dung, phương hướng sửa đổi, các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quy định của Luật cũng như trong thực tiễn thi hành.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam