Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri TP Hà Nội: 5 bước để nhận rõ bộ phận suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Sáng 1-12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội-Đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm.

Hơn 10 ý kiến của cử tri phát biểu đã hoan nghênh, đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII. Nhiều cứ tri cho rằng, kỳ họp tiếp tục thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội; nhiều vấn đề thuộc về tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đã được thảo luận công khai trên diễn đàn Quốc hội; số lượng buổi họp được truyền hình-phát thanh trực tiếp tăng lên đã giúp người dân hiểu hơn, thấy rõ hơn hoạt động của các đại biểu do bình bầu ra. Tuy nhiên, cử tri cũng bày tỏ nỗi băn khoăn khi trong kỳ họp vừa qua, nhiều thành viên Chính phủ khi trả lời chất vấn còn tỏ ra thiếu khiêm tốn, vòng vo, không trả lời đúng bản chất câu hỏi mà đại biểu Quốc hội đặt ra. Nhiều cử tri cho rằng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), các đại biểu cần nâng cao tính chiến đấu hơn nữa, hỏi đúng những vấn đề dân cần giải đáp, yêu cầu các thành viên Chính phủ phải công khai, minh bạch trong trả lời chứ không chỉ nhận lỗi là xong.

 
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với cử tri

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng của cử tri TP Hà Nội nói riêng, nhân dân cả nước nói chung dành cho Đảng, Quốc hội. Đồng chí khẳng định: Dư địa đổi mới trong hoạt động của Quốc hội còn rất rộng, dưới ánh sáng tư tưởng của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, cùng nhiều nghị quyết khác của Trung ương như Trung ương 3, Trung ương 4, Trung ương 6 (khóa XI)... nhất định, hoạt động của Quốc hội sẽ ngày càng tiến tới dân chủ rộng rãi hơn, phán ánh chân thực, sát thực tế đời sống hơn.

Đề cập đến việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Nhân dân hiện đang sốt ruột tìm câu trả lời “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nằm ở đâu; tại sao kết quả kiểm điểm vừa qua không chỉ rõ được?”. Đồng chí Tổng bí thư cho rằng: Cần có cái nhìn biện chứng về vấn đề này. Trong mỗi con người, ai cũng có cái tốt, cái xấu; ai cũng có cái thiện, cái ác. Nếu tổ chức tốt việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, mỗi người sẽ tự nhận thấy và phát huy cái tốt, sửa chữa cái xấu. Nếu phê bình không khéo, sẽ làm cho cái xấu thêm xấu, cái tốt bị lu mờ. Về tổng thể, việc kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) sẽ trải qua 5 giai đoạn: Thứ nhất, làm thức tỉnh những cán bộ, đảng viên lâu nay lãng quên lý tưởng, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu. Thứ hai là cảnh báo những biểu hiện, hiện tượng suy thoái, biến chất. Thứ ba, răn đe những những người đã vi phạm khuyết điểm. Thứ tư, ngăn chặn đà suy thoái và chặn lại những lời nói, việc làm chưa đúng, chưa tốt. Thứ 5, nếu đã trải qua kiểm điểm nhưng có người vẫn vòng vo không nhận khuyết điểm hoặc nhận nhưng không sửa chữa mà tiếp tục vi phạm thì phải kiên quyết kỷ luật hoặc các cơ quan pháp luật sẽ xử lý. 5 bước này, thể hiện tính chất kỷ luật của Đảng là tự giác và kỷ luật sắt. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) không chỉ có tự phê bình và phê bình mà còn có 4 nhóm giải pháp lớn. Đồng chí mong rằng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ đoàn kết, đồng lòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); tạo niềm tin mới, khí thế mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Nguồn Báo Quân đội nhân dân