Trường Đại học Luật TP. HCM hiện có 5 khoa chuyên ngành Luật, đào tạo sinh viên các chuyên ngành như: Luật Kinh tế, Luật Hình sự và Tố tụng hình sự, Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Luật Dân sự và Tố tụng dân sự, Luật Hiến pháp và Hành chính, Luật Quốc tế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh
Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Năm học 2012 - 2013, nhà trường đã tuyển hơn 2.000 sinh viên hệ chính quy văn bằng 1, gần 400 học viên hệ chính quy văn bằng 2 và hơn 1700 học viên hệ vừa học vừa làm, 350 học viên cao học và 15 nghiên cứu sinh.
Bên cạnh đó, trường đã tập trung đầu tư mạnh vào các lớp đào tạo theo chương trình đặc biệt như Chương trình đào tạo Cử nhân Luật chất lượng cao, Chương trình đào tạo Cử nhân Luật tăng cường tiếng Pháp, tiếng Nhật…với gần 250 sinh viên theo học.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm hàng năm khá cao (năm 2009 đạt 100%; năm 2010 là 95,91%; năm 2011 là 97,23% và năm 2012 này, cũng đã có tới 94,4% số sinh viên mới ra trường có việc làm).
Biểu dương những thành tích mà Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh đã đạt được trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực pháp luật có quy mô lớn thứ hai ở Việt Nam và là cơ sở đào tạo luật lớn nhất ở phía Nam, đồng thời cũng là một trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý, có nhiều quan hệ hợp tác quốc tế hiệu quả với các trường đại học trên thế giới, thực hiện thành công nhiều dự án hợp tác với các nước.
Phó Thủ tướng cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã tích cực thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp. Tuy nhiên, tiến trình cải cách còn chậm và bộc lộ không ít những hạn chế mà một phần do đội ngũ thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, chấp hành viên và đội ngũ cán bộ pháp luật còn thiếu về số lượng và yếu về năng lực, phẩm chất, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Bên cạnh đó, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng làm xuất hiện ngày càng nhiều tranh chấp quốc tế, vì thế, chúng ta cần những luật sư giỏi về chuyên môn, ngoại ngữ, có hiểu biết sâu rộng về pháp luật quốc tế và pháp luật của các nước đối tác.
Theo Phó Thủ tướng, thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về việc xây dựng Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thành 2 trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật, Bộ Tư pháp đã tích cực nghiên cứu, chuẩn bị Đề án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang tích cực chỉ đạo toàn ngành triển khai Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 về đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.
Chương trình văn nghệ tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh
Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Để trở thành trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật cho đất nước, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cần mở rộng quy mô đào tạo, đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng, giữ vai trò nòng cốt, đầu tàu, dẫn dắt các cơ sở đào tạo luật ở các tỉnh phía Nam.
Nhà trường cần tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên có năng lực giảng dạy, năng lực nghiên cứu và hướng dẫn khoa học, nâng cao chất lượng chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng giảng dạy. Song song đó, cần có chính để thu hút, trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên tự do tư duy, sáng tạo, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, khuyến khích các ý tưởng, các đề tài mới có khả năng ứng dụng vào thực tiễn của đất nước…
Tại buổi lễ kỷ niệm, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao cờ thi đua của Chính phủ cho Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh và trao danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho PGS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng nhà trường.
Nguồn chinhphu.vn