So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này chỉnh sửa 9 nội dung như: Tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người; tiếp tục bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, tạo cơ sở hiến định để Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện quyền, nghĩa vụ quốc gia, góp phần giữ gìn hòa bình khu vực và thế giới...
Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Hiến pháp giảm 1 chương, 21 điều, 18 điều giữ nguyên, 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới.
Đặt vấn đề về nguồn tài nguyên quốc gia, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước, đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) đề nghị Quốc hội bổ sung thêm một điều riêng biệt để quy định đối với tài nguyên biển, đảo khi chưa được khẳng định tầm quan trọng của nó trong Hiến pháp, vì nước ta là một quốc gia có biển lớn, chứa đựng nhiều tài nguyên phong phú và đa dạng với trữ lượng quy mô lớn cho phép phát triển nhiều lĩnh vực về kinh tế biển quan trọng góp phần lớn trong việc xây dựng cho nền kinh tế quốc dân.
Do đó, để khẳng định biển là tài nguyên của quốc gia, là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, nhà nước cần thống nhất quản lý theo Hiến pháp và pháp luật đảm bảo khai thác có hiệu quả vùng kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển, quy hoạch, khai thác theo quy trình nguồn tài nguyên biển. Ưu tiên phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh cũng như chủ quyền về biển. Đây là một nội dung cần được Quốc hội quy định trong Hiến pháp, được nhà nước thống nhất quản lý quy hoạch và quản lý theo pháp luật.
Đại biểu Doãn Thế Cường (Hưng Yên) đồng tình với quy định cụ thể về kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó xác định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Nhưng trong dự thảo viết: Kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển… Viết như vậy chưa rõ vị trí, vai trò của kinh tế tập thể và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế là không chỉ kinh tế tập thể, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà cả kinh tế nhà nước và cả kinh tế tư nhân cũng luôn cần được củng cố và phát triển. Vì vậy, tôi đề nghị cần thể hiện rõ hơn vị trí, vai trò của kinh tế tập thể và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài như đã thể hiện với kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân như đã nêu trong dự thảo.
Cùng có ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) thì cho rằng việc xác định các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, nhưng không nên xác định trong Hiến pháp là kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển. Bởi vì trong quá trình phát triển các thành phần kinh tế có thể đóng vai trò khác nhau theo từng thời kỳ phát triển của đất nước.
Đại biểu Phương cũng đề nghị bổ sung thêm một khoản với nội dung là: nhà nước có trách nhiệm xây dựng kế hoạch đầu tư cơ chế chính sách để đảm bảo phát triển cân đối giữa các vùng, miền của quốc gia. Tôi đề xuất này vì hiện nay ở đất nước ta sự phát triển không cân đối giữa các vùng, miền và nếu chúng ta không chú trọng đến điều này thì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh sẽ chậm đạt được.
Thảo luận về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cho rằng dự thảo này chưa kế thừa phát triển đầy đủ các giá trị đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ở đây chú trọng nhiều đến việc cụ thể hóa quyền cá nhân dưới danh nghĩa là quyền con người, các dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã cùng đề cập đầy đủ mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ, sự chuyển hóa giữa quyền và nghĩa vụ được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992. Vì vậy, có những quyền và nghĩa vụ như học tập, về lao động, về chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, về bảo vệ và tôn trọng tài sản nhà nước và lợi ích công cộng xã hội trong các quyền tương ứng được dự thảo quy định không có nghĩa vụ này.
Thêm nữa, về thực hiện dân chủ đại diện. Kết luận của Trung ương 5 khẳng định việc thực hiện dân chủ đại diện của nhân dân sẽ thực hiện thông qua các cơ quan đại diện, các cơ quan Nhà nước khác và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, thể hiện vấn đề này Dự thảo Hiến pháp thì lại không đề cập đến việc thực hiện quyền đại diện nhân dân thông qua hệ thống các cơ quan trong hệ thống chính trị mà chỉ đề cập đến thông qua hệ thống cơ quan đại diện và các cơ quan Nhà nước khác. Như vậy, đã bỏ một thiết chế hết sức quan trọng thể hiện làm chủ và thực hiện quyền lực nhân dân.
“Việc đưa quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản nhân dân lên Chương II thể hiện quan điểm của Đảng ta rất tôn trọng quyền con người và các quyền nghĩa vụ của công dân. Chúng ta thấy rằng việc xác định quyền con người, quyền nghĩa vụ công dân ở đây có 2 nhóm quyền là quyền con người và quyền công dân. Bởi vậy, chúng tôi thấy cần thiết phải quan niệm rõ những quyền nào là quyền con người và những quyền nào là khái niệm về quyền công dân. Những quyền con người có thể được thể hiện trong Hiến pháp theo hướng đó là những quyền con người thì nhà nước tôn trọng, thừa nhận bằng Hiến pháp và pháp luật chứ không phải theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, cũng cần có những quy định rõ để loại trừ việc hạn chế hay phương hại đến quyền con người từ phía nhà nước, từ phía các cơ quan công quyền” - Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nói.
Đại biểu Ya Duck (Lâm Đồng) lại cho rằng Dự thảo Hiến pháp sửa đổi công dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Trong khi Hiến pháp 1992 ghi rõ "công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước, kiến nghị với cơ quan nhà nước biểu quyết khi nhà nước có tổ chức trưng cầu ý dân" nếu vậy quyền này của dân đã bị thu hẹp hơn, chưa phù hợp. Hơn nữa tại Điều 76 quy định Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân là chưa đủ, vì vậy tôi xin đề nghị cần bổ sung thêm vào Hiến pháp quyền phúc quyết của nhân dân vốn đã được xác định tại Hiến pháp năm 1946 và có cơ chế bảo đảm người dân được thực hiện quyền này.
Một số đại biểu đồng tình theo Dự thảo, tên Chương IX được đổi từ “Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” thành “Chính quyền địa phương” và quy định một cách tổng quát về phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ, còn những vấn đề về tổ chức, thẩm quyền của từng cấp chính quyền địa phương sẽ do luật định. Điều này nhằm thực hiện các quan điểm của Đảng về đổi mới chính quyền địa phương, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta chưa tổng kết thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) thống nhất chọn Phương án 1, tức là Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Vì trong Hiến pháp xác định rõ vị trí pháp lý của Hội đồng nhân dân trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Từ đó Trung ương phải phân quyền cho địa phương để thực hiện quyền cho Hội đồng nhân dân cùng với xác định vị trí pháp lý của Ủy ban nhân dân như đã quy định trong Khoản 2 của Hiến pháp.
Sáng mai (16/11), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiếp tục thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phiên họp sẽ được Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp và các phương tiện thông tin đại chúng khác đưa tin để cử tri và đồng bào cả nước cùng theo dõi.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam