Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
(Ảnh: Chinhphu.vn)
Thừa nhận với ý kiến của các đại biểu Quốc hội rằng giá thuốc bị đẩy lên cao so với thực tế, có sự chênh lệch giữa các bệnh viện trong cùng địa phương, giữa các địa phương với nhau và giữa giá thuốc trong bệnh viện và giá ngoài thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ có nguyên nhân do Thông tư số 10/2007 của Bộ Y tế đã tạo ra kẽ hở là không chia thuốc theo tiêu chuẩn kỹ thuật, theo các nước (cùng một loại thuốc nhưng thuốc do Mỹ sản xuất khác với giá thuốc do Trung Quốc sản xuất nhưng có trường hợp cơ sở kinh doanh thuốc khai giá của hai loại này bằng nhau).
Không thể vừa sản xuất thuốc, vừa quản lý giá thuốc
Đồng thời Nghị định đấu thầu được áp dụng cho một loại hàng đặc biệt là thuốc như với trang thiết bị của ngành xây dựng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định bệnh viện, ngành y là người quản lý xuất nhập khẩu, sản xuất, kê đơn thuốc nhưng cũng là cơ quan quản lý giá thuốc là bất cập vì dù minh bạch đến đâu cũng là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Theo Bộ trưởng thì ngành y chỉ làm việc kê đơn, quản lý an toàn thuốc chứ không nên làm nhiệm vụ quản lý giá thuốc…
Để khắc phục những bất cập trên, liên bộ Y tế- Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 01 vào đầu năm 2012 chia nhóm thuốc theo các xuất xứ khác nhau (thuốc Châu Âu giá khác, thuốc Trung Quốc giá khác, thuốc của Mỹ giá khác), đồng thời liên Bộ quy định giá đấu thầu thuốc phải thấp hơn giá trước đó đã kê khai.
Bộ Y tế cũng ban hành Thông tư số 11 vào giữa năm 2012 hướng dẫn hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế để khi kê khai có cả giá USD nhằm tránh việc doanh nghiệp cung cấp thuốc khai tỷ giá thay đổi khi giao thuốc (nhưng thực chất tỷ giá này không thay đổi nhiều) nhằm trục lợi chênh lệch tỷ giá.
Liên bộ Tài chính- Y tế- Công Thương cũng ban hành Thông tư 50 vào cuối năm 2011 về quản lý giá thuốc, quy định dứt khoát giá trúng thầu thấp hơn giá kê khai.
Bộ Y tế cũng lập diễn đàn người Việt dùng thuốc Việt để hỗ trợ những doanh nghiệp dược Việt Nam ở trong nước có thể tiếp cận để tăng cường sử dụng thuốc nội và sẽ có một đề án trình Chính phủ đẩy nhanh công việc này. Bộ Y tế cũng ban hành một quy chế kê đơn quy định thầy thuốc kê đơn phải ghi rõ tên thuốc generic và hạn chế dùng các thuốc biệt dược.
“Áp dụng những Thông tư trên, nếu doanh nghiệp thuốc nào muốn lợi dụng đấu thầu để hưởng chênh lệch giá thì sẽ rất khó khăn. Đó là những giải pháp mà ngành Y tế đã và đang làm được”, Bộ trưởng Y tế khẳng định.
Tuy nhiên Bộ trưởng cũng cho biết đó không phải là những giải pháp căn cơ tận gốc. Để giải quyết căn cơ, Bộ Y Tế đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thí điểm đề án quản lý giá thuốc tối đa; không để Bộ Y tế vừa sản xuất, vừa kê đơn thuốc.
Đại biểu Huỳnh Tấn Dương (đoàn Hải Dương) đặt chất vấn. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Bộ Y tế cũng muốn lập một Ủy ban đấu giá quốc gia gồm Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội, Bộ Công Thương và Bộ Y tế (nhưng Bộ Y tế không phải là thường trực) để giữa các mặt hàng thuốc giống nhau sẽ chọn giá thấp nhất và áp dụng trong cả nước. Hiện Bộ Y tế sắp hoàn chỉnh đề án này.
Tăng giá dịch vụ y tế nhằm mang lại chất lượng cao hơn
Nhiều lần khẳng định người dân lợi hơn khi tăng giá dịch vụ y tế và lần này tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục khẳng định chủ trương này- được Bộ trưởng coi là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ của mình.
“Giá viện phí đã quá lỗi thời, được quy định từ năm 1995 đến nay, trong khi lương đã tăng 8 lần, thu nhập trung bình của người dân từ 2, 3 triệu/năm nay đã là 1.000 USD/năm và trượt giá là 34 lần. Giá xăng, dầu, điện, nước đều tăng, dịch vụ y tế cũng phải điều chỉnh… Hơn nữa, chủ trương điều chỉnh giá viện phí phù hợp với các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội”, Bộ trưởng nói.
Quá trình điều chỉnh giá viện phí đã được thống nhất rất cao giữa Bảo hiểm xã hội và Bộ Y tế, nếu giá dịch vụ thấp thì chất lượng thấp, không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh.
Giá dịch vụ y tế đang được điều chỉnh là chỉ tính 3/7 yếu tố: gồm giá đầu vào là thuốc; điện, nước, xăng dầu và bảo trì máy móc. Những yếu tố còn lại bệnh nhân không phải gánh thêm và để bù đắp bằng cách tăng giá dịch vụ và tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Tăng giá dịch vụ không ảnh hưởng đến người thụ hưởng mà chỉ có lợi hơn, trong đó có thành phần là những người làm công ăn lương, hộ chính sách, người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số, Bộ trưởng nêu rõ và cho biết gần đây Chính phủ cũng quy định hỗ trợ mua BHYT 70% cho những người nghèo và rất nhiều tỉnh đã hỗ trợ mua luôn 100% cho đối tượng này.
Bộ Y tế, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ mua 100% BHYT cho người cận nghèo và nghèo ở xã vùng sâu, vùng xa người dân tộc thiểu số.
Bộ Y tế cũng tham mưu cho Chính phủ có quy định việc dùng quỹ khám chữa bệnh người nghèo để hỗ trợ cho phần đồng chi trả BHYT của bệnh nhân nghèo mãn tính, ngoài ra hỗ trợ tiền ăn, chuyển viện. "Tôi nghĩ rằng chính sách đó cơ bản đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của những đối tượng chính sách…", Bộ trưởng nói.
Việc thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đang được Bộ Y tế thực hiện và điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này cũng sẽ làm cho bệnh viện có điều kiện tăng thêm nguồn thu. Nhà nước cũng sẽ giảm dần đầu tư trực tiếp cho cơ sở điều trị để tăng đầu tư trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ y tế thông qua BHYT.
Nguồn www.chinhphu.vn