Trải qua thử thách của thời gian, quan hệ Việt Nam - Liên Xô trước đây và quan hệ Việt Nam - LB Nga ngày nay luôn minh chứng là mối quan hệ truyền thống quý báu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Thủ tướng Dimitry Medvedev trong chuyến thăm Nga năm năm 2009.
Khi đó, ông Dimitry Medvedev là Tổng thống LB Nga. Ảnh: VGP
Hơn 60 năm kể từ ngày Việt Nam DCCH và Liên bang CHXHCN Xô Viết (Liên Xô) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (30/1/1950) và được LB Nga ngày nay thừa kế, hai đất nước, hai dân tộc luôn là những người bạn, đối tác tin cậy của nhau. Tiếp đó, kế thừa và bồi đắp di sản quý báu của quan hệ Việt Nam - Liên Xô, Việt Nam và LB Nga đã ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị (ngày 16/6/1994). Ðây là sự kiện trọng đại, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ Việt Nam - LB Nga trong giai đoạn phát triển mới.
Từ đó đến nay, mặc dù phải ưu tiên giải quyết những khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi ở Nga và đổi mới ở Việt Nam nhưng với tình cảm hữu nghị truyền thống, lãnh đạo và nhân dân hai nước đã nỗ lực vun đắp và phát triển quan hệ Việt Nam - LB Nga lên tầm cao mới.
Trong một thập kỷ qua, vượt qua thăng trầm, với chiến lược chấn hưng đúng đắn, LB Nga đã đi vào ổn định, phục hồi và phát triển, từng bước khôi phục vị thế cường quốc với uy tín và vai trò ngày càng cao trên trường quốc tế.
LB Nga hiện là nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới với GDP năm 2011 đạt 1.885 tỷ USD. LB Nga là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thành viên của các tổ chức toàn cầu quan trọng như G8, G20, BRICS…
Trong chính sách đối ngoại của mình, LB Nga luôn dành ưu tiên phát triển quan hệ với Việt Nam trên cơ sở song phương và đa phương, coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngược lại, với chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam cũng luôn coi trọng quan hệ truyền thống, hữu nghị, toàn diện với LB Nga.
Trên nền tảng mối quan hệ truyền thống và đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, Việt Nam và LB Nga đã xác lập mối quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược vào tháng 3/2001 nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin. LB Nga là nước đầu tiên Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Hợp tác chính trị luôn là quan tâm và ưu tiên cao của lãnh đạo hai nước. Việt Nam và LB Nga thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao để tạo dựng và nâng cao sự tin cậy giữa hai nước, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển quan hệ đối tác chiến lược trên mọi lĩnh vực.
Trong đó, cơ chế đối thoại chiến lược ngoại giao - an ninh - quốc phòng thường niên, cùng với các cơ chế đối thoại khác giữa Việt Nam và LB Nga hoạt động hiệu quả, trở thành kênh trao đổi ý kiến quan trọng về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, từ đó phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế.
Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Nga tham gia Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Hội nghị Cấp cao Đông Á, ủng hộ LB Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)... Việt Nam cũng ủng hộ vai trò của LB Nga tại châu Á - Thái Bình Dương vì hoà bình, ổn định và phát triển bền vững tại khu vực.
Trong các cuộc gặp cấp cao, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc tích cực triển khai các biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - LB Nga thực chất và hiệu quả hơn, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên hợp tác như kinh tế - thương mại, đầu tư, khoa học và kỹ thuật, tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa và dịch vụ, tạo kênh thông tin về thị trường của nhau, khuyến khích đầu tư của Nga vào Việt Nam, nhất là các dự án khai khoáng, năng lượng.
Bên cạnh đó, hai nước duy trì hữu hiệu cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật và thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – LB Nga nhằm trao đổi biện pháp tăng cường hợp tác và hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư cho doanh nghiệp hai nước. Năm 2007, Việt Nam và Nga đã công nhận lẫn nhau có nền kinh tế thị trường, tạo thêm điều kiện cho doanh nghiệp của nhau thâm nhập thị trường.
Dù chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn nhưng hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - LB Nga thời gian qua phát triển rất năng động. Thương mại hai chiều từ mức 350 - 400 triệu USD vào giữa những năm 1990 đã tăng lên 1,828 tỷ USD vào năm 2010. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 829 triệu USD, nhập khẩu 999,1 triệu USD.
Năm 2011 chứng kiến một mốc mới trong thương mại song phương khi lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam sang Nga vượt mốc 1 tỷ USD, đạt 1,28 tỷ USD trong tổng kim ngạch thương mại 1,98 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2010. Xu thế tích cực đó tiếp tục trong trong năm 2012 với kim ngạch thương mại 9 tháng đầu năm đạt 1,77 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu trên 1,13 tỷ USD, nhập khẩu 640 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm điện thoại, hàng may mặc, nông sản, thủy hải sản… và nhập khẩu chủ yếu xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị các loại...
Tiềm năng trao đổi thương mại Việt Nam – LB Nga còn rất lớn và dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới sau khi hai bên đã tháo gỡ một số vướng mắc trong vấn đề kiểm soát chất lượng nông, thủy, hải sản xuất khẩu của Việt Nam, cơ chế thanh toán... Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan, dự kiến khởi động đàm phán trong quý I/2013, sau khi ký kết sẽ tạo hiệu ứng mạnh mẽ cho thương mại và đầu tư song phương.
Bên cạnh thương mại, hợp tác đầu tư Việt Nam – LB Nga cũng cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ. Tính đến hết tháng 9/2012, Nga đã có 78 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 919 triệu USD, tập trung vào khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo, ngân hàng, viễn thông...
Đầu tư của Việt Nam sang Nga cũng tăng nhanh chóng, từ chỗ hơn 100 triệu USD vào năm 2008, hiện lên tới 776 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực dầu khí, ngân hàng, thương mại... Một số dự án đầu tư lớn của Việt Nam sang Nga như các liên doanh dầu khí Rusvietpetro, GazpromViet và Trung tâm Thương mại Hà Nội tại Mátxcơva...
Năng lượng là lĩnh vực hợp tác trụ cột trong quan hệ kinh tế Việt Nam – LB Nga, mang lại hiệu quả kinh tế và tạo cơ sở cho mở rộng hợp tác các lĩnh vực khác. Bên cạnh gia hạn thời gian đối với Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đến năm 2030, hai nước còn thành lập các Liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và nước thứ ba.
Bên cạnh dầu khí, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân cho thấy tiềm năng mới với việc hai bên đã ký Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam vào ngày 31/10/2010 và tiếp đó, tháng 11/2011 ký Hiệp định về việc Nga cấp tín dụng để triển khai dự án trên. Ngoài ra, hai nước đã đạt được thỏa thuận xây dựng và hiện đại hóa các công trình năng lượng tại Việt Nam.
Không chỉ tích cực về hợp tác kinh tế, các hoạt động giao lưu văn hoá cũng được tổ chức thường xuyên, đã góp phần tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và LB Nga. Các sự kiện được tổ chức hàng năm như Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam và Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga… trở thành điểm hẹn và cầu nối giao lưu giữa hai dân tộc, hai nền văn hóa. Gia tăng hợp tác kinh tế và văn hóa song phương đã góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách Nga với tốc độ tăng trưởng du khách Nga sang Việt Nam trung bình 30%/năm.
Hợp tác khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo cũng được tăng cường. LB Nga hiện vẫn là nước góp phần đào tạo nguồn nhân lực quan trọng cho Việt Nam. Hàng năm, Nga cấp hơn 300 suất học bổng đào tại đại học và sau đại học cho Việt Nam. Ngoài ra, số lưu học sinh tự túc Việt Nam tại Nga hiện hơn 5.000. Hiện gần 100.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Nga và hàng nghìn công dân Nga làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam là cầu nối hữu nghị, đóng góp tích cực thúc đẩy quan hệ hai nước.
Quan hệ Việt Nam - LB Nga trong giai đoạn mới trong hình thức quan hệ đối tác chiến lược, sẽ đóng góp quan trọng đối với việc đáp ứng các nhiệm vụ cơ bản trong chiến lược phát triển của Việt Nam, cũng như quá trình hiện đại hóa của Nga và góp phần hết sức quan trọng vào tiến trình hội nhập, duy trì an ninh và ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Với ý nghĩa đó, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng LB Nga Dimitry Medvedev sẽ thành công tốt đẹp và là một sự kiện mang tính dấu mốc trong quan hệ Việt Nam – LB Nga, củng cố và tăng cường hơn nữa hợp tác toàn diện giữa hai bên, duy trì cơ chế tiếp xúc chính trị cấp cao vì hoà bình và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Nguồn chinhphu.vn