Ảnh minh họa
Nhiều giáo viên các môn học khác cũng mơ hồ về vùng biển chủ quyền của đất nước, khi được hỏi thì ai cũng nhằm vào giáo viên Địa lí chứ không biết chính xác diện tích, vị trí địa lí, giới hạn chủ quyền, các nguồn tài nguyên, tiềm năng và lợi thế biển đảo của chúng ta như thế nào.
Sự nhận thức còn hạn chế như vậy chủ yếu là do công tác tuyên truyền của chúng ta chưa thật sự sâu rộng trong mỗi nhà trường. Thiết nghĩ, để làm tốt hơn công tác tuyên truyền về biển đảo Việt Nam, cần thiết phải thực hiện một số biện pháp sau:
Trong đợt thay sách giáo khoa sắp tới, nhất thiết cần bổ sung các bài học về vị trí địa lí, giới hạn vùng biển Việt Nam. Các bài học tìm hiểu tự nhiên, tài nguyên các vùng đảo. Giới thiệu cảnh quan tự nhiên, lịch sử phát triển lãnh thổ và truyền thống văn hóa, lịch sử của các vùng đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Các cứ liệu lịch sử về chủ quyền vùng biển đảo nước ta.
Tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức các hội thi: thi đố vui để học, thi văn nghệ hát về biển đảo, thi vẽ tranh với chủ đề Biển đảo, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về biển đảo theo hình thức viết, thi kể chuyện, hùng biện với chủ đề biển đảo,… nhằm tạo sân chơi sôi nổi, hấp dẫn và lôi cuốn đa số học sinh toàn trường tham gia.
Tổ chức tập huấn về kiến thức biển đảo cho toàn bộ giáo viên một cách đại trà, đây là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam sâu rộng và cụ thể đến mỗi đối tượng học sinh trong mỗi vùng miền khác nhau. Mỗi địa phương, đặc biệt là các tỉnh/thành giáp biển đều chú trọng việc tuyên truyền thành tựu KT – XH với việc nhấn mạnh vai trò của kinh tế biển. Tuyên truyền, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế biển hiệu quả.
Tăng cường lồng ghép các nội dung về chủ quyền biển Việt Nam, giới thiệu các vùng đảo, quần đảo. Giới thiệu các nguồn tài nguyên và bảo vệ bền vững tài nguyên biển cũng như định hướng phát triển kinh tế xã hội hướng về biển Việt Nam thông qua các môn học Địa lí, Lịch sử, Ngữ văn,… trong chương trình chính khóa.
Xây dựng hệ thống phần mềm học tập về biển đảo, chủ quyền biển đảo, các Công ước Liên hiệp Quốc về biển đảo, luật biển Việt Nam,… Tăng cường in ấn các ấn phẩm, xuất bản nhiều sách viết và giới thiệu về biển đảo Việt Nam. Mở các trung tâm triển lãm tranh ảnh về biển đảo. Giới thiệu các bộ phim, video, phóng sự về biển đảo Việt Nam.
Các nội dung tập huấn để làm công tác tuyên truyền chủ yếu là giới thiệu về vùng biển chủ quyền của Việt Nam bao gồm các vùng nước theo luật biển Quốc Tế như Vùng Nội thủy, vùng Lãnh hải, vùng Tiếp giáp lãnh hải, vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Giới thiệu về hệ thống các đảo lớn (huyện đảo) và các quần đảo. Điều kiện kinh tế xã hội, đặc điểm dân cư, cuộc sống thường ngày của người dân trên các đảo.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến những cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo trên biển Đông; những văn bản pháp lý về biển, đảo Việt Nam đã ký với các nước láng giềng, các nước có liên quan; tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức đấu tranh, bảo vệ, gìn giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, góp phần bảo vệ gìn giữ môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia có biển.
Công tác tuyên truyền sẽ giúp học sinh hiểu hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng cũng như tiềm năng của biển, đảo; đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về chiến lược biển, đảo trong tình hình mới, qua đó, có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại