Cần có cơ chế đặc thù, tạo điều kiện để Thủ đô phát triển

Sáng 5/11, Quốc hội làm việc tại hội trường để thảo luận về dự án Luật Thủ đô. Phần lớn ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Các đại biểu đều đồng tình cho rằng, sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô chưa tương xứng với vị thế Thủ đô tiêu biểu cho cả nước, với vị trí, tiềm năng và lịch sử nghìn năm văn hiến của Thủ đô. Còn nhiều vấn đề bất cập trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chưa được giải quyết có hiệu quả như: Công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển; tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; tình trạng ô nhiễm môi trường; nạn ách tắc giao thông; sự xuống cấp của cảnh quan đô thị; tình trạng tăng dân cư tự phát đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực nội thành...

Do đó, để có thể khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh phát triển Thủ đô, cần quy định cho Thủ đô một số cơ chế, chính sách phù hợp. Các cơ chế, chính sách này hoặc là chưa được quy định trong luật hiện hành, hoặc đã được quy định nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh). (Ảnh: SGGP)

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhấn mạnh: Luật Thủ đô cần được Quốc hội thông qua càng sớm càng tốt, để tạo hành lang pháp lý cho Thủ đô Hà Nội phát triển trong thời gian tới, xứng đáng ngang tầm với những Thủ đô tiên tiến, văn minh, hiện đại khác trên thế giới. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng, Luật này còn mang tính mệnh lệnh, chỉ đạo với nhiều điều, khoản dùng từ “phải"; thêm nữa, một số vấn đề quan trọng như: Công tác quy hoạch, quản lý đô thị, vấn đề nhập cư... còn chung chung, chưa đề cập đến chính sách cụ thể. Chẳng hạn, trong Luật đề cập lộ trình di dời một số bệnh viện, trường học... Vậy một số là bao nhiêu? Cụ thể lộ trình như thế nào? Hoặc như dành một số kinh phí ưu tiên cho Thủ đô, đó là cơ chế cao hơn các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương khác, nhưng được phép cao hơn là bao nhiêu?...

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) cũng tán thành giao cho Thủ đô Hà Nội những cơ chế đặc thù như: Về dân cư, giao thông, quản lý đất đai... Tuy nhiên, dự thảo Luật nên làm rõ, nổi bật hơn các vấn đề này, bởi đây đều đang là những vấn đề gây bức xúc không chỉ với riêng Hà Nội, mà với cả nước. Đại biểu cho rằng, nên cho phép HĐND TP Hà Nội được ban hành các biện pháp để quản lý đất đai, nhưng luật cần cụ thể hóa luôn các biện pháp của HĐND.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đồng tình quản lý chặt chẽ hơn về điều kiện nhập cư. Thực tế tình trạng gia tăng dân số cơ học ở Thủ đô hiện nay là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải đối với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo nên những áp lực về giao thông, trường học, chỗ ở, y tế, việc làm… Việc quy định điều kiện đăng ký nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội chặt chẽ hơn đối với một số đối tượng, tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư, nhưng cũng là một trong những giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác nhằm giãn bớt số lượng dân cư thường trú trong nội thành.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung (TP Hà Nội) đã truyền tải tới Quốc hội tâm tư, nguyện vọng của cử tri Thủ đô là mong muốn Luật Thủ đô được thông qua ngay tại kỳ họp này. Đại biểu Nguyễn Đức Chung cho hay, thực tế, số người chuyển đến Hà Nội sống ngày một tăng nhanh. Việc tăng quá nhanh đã không đáp ứng được nhu cầu điện, nước, học hành, khu vui chơi giải trí, giao thông đi lại, tình hình tội phạm gia tăng ... Do vậy, những quy định trong dự thảo Luật là rất cần thiết để đảm bảo cho Thủ đô Hà Nội thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, xứng đáng với vị trí là trung tâm hành chính, chính trị của cả nước.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) có ý kiến, vì quy định về quản lý nhập cư chặt hơn Luật Cư trú nên mới cần đưa vào Luật này, miễn là không trái với Hiến pháp.

Ngoài ra, còn nhiều ý kiến khác nhau về biểu tượng của Thủ đô. Đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; cho rằng, biểu tượng của Thủ đô là biểu tượng của cả nước, cho nên, cần quy định cụ thể trong Luật. Ý kiến khác đề nghị không nên quy định cụ thể về biểu tượng của Thủ đô trong Luật mà nên giao Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc HĐND TP Hà Nội quyết định, vì vẫn còn ý kiến khác nhau về việc lựa chọn biểu tượng của Thủ đô.

Mặt khác, các ý kiến cho rằng, Nhà nước, các bộ, ngành, các địa phương và nhân dân cả nước cùng phải có trách nhiệm ưu tiên, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển. Ngược lại, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội phải là đầu tàu, gương mẫu thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của riêng mình.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam