Doanh nghiệp xuất khẩu vượt khó hướng về đích

Bộ Công thương dự tính, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 113 tỷ USD, tăng 16,6%, vượt chỉ tiêu kế hoạch quốc hội đề ra. 10 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 93,45 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là con số khá ấn tượng trong bối cảnh ảnh hưởng suy thoái và phục hồi chậm của kinh tế thế giới. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của các ngành xuất khẩu chủ lực như thủy sản, gạo, gỗ, dệt may, da giày ….

Nhiều ngành đạt kim ngạch xuất khẩu cao

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến-Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 9 tháng đầu năm 2012, ngành thủy sản xuất khẩu đạt gần 4,5 tỷ USD, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ, EU, Nhật vẫn là ba thị trường nhập khẩu chính của thủy sản Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ 9 tháng đạt hơn 906 triệu USD, tăng 7,6%, sang Nhật đạt 795 triệu USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái… Dù trong nhiều khó khăn song nhiều thương hiệu thủy sản Việt Nam như Tập đoàn Minh Phú, Công ty Vĩnh Hoàn, Công ty Hùng Vương… vẫn có kim ngạch xuất khẩu tăng và giữ vững được thương hiệu trên thương trường.

Trong lĩnh vực gạo, nhiều khả năng năm nay Việt Nam sẽ thay thế Thái Lan chiếm vị trí số 1 về xuất khẩu gạo với sản lượng xuất khẩu khoảng 7,5 tấn gạo. Trong 9 tháng đầu năm 2012, số lượng gạo xuất khẩu cả nước đã đạt gần bằng mức của năm trước, khoảng 5,845 triệu tấn gạo các loại, trong đó hợp đồng tập trung chiếm 16,72%, hợp đồng thương mại chiếm 83,28%. Trong 9 tháng qua thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam khu vực châu Á chiếm 67,21%, châu Phi chiếm 25,23%, châu Mỹ chiếm 4,63%, châu Âu chiếm 1,30%...Hiện các thị trường chính của gạo xuất khẩu Việt Nam là Trung Quốc, châu Phi, Philippines, Malaysia, Indonesia, Cuba và Hong Kong.

Trong lĩnh vực dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, 9 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu dệt may đạt 12,7 tỷ USD (trong đó 11 tỷ USD là hàng may mặc, 1,7 tỷ USD là các sản phẩm sợi). Trong 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 5,6 tỷ USD, tăng 8%, Nhật đạt 1,45 tỷ USD, tăng 18,7%, Hàn Quốc 748 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ 2011… Dự kiến cả năm xuất khẩu dệt may sẽ đạt khoảng 17 tỷ USD.

Hiện các DN đang đang hoàn tất những đơn hàng cho mùa thu đông, đây là mùa xuất khẩu chính với những đơn hàng có giá trị cao, lợi nhuận nhiều. Trong 9 tháng qua nhờ làm hàng FOB, nhiều DN đã đạt được kim ngạch xuất khẩu cao. Công ty CP SX-TM May Sài Gòn(Garmex) cho biết, kế hoạch doanh thu xuất khẩu năm 2012 sẽ đạt khoảng 900 tỷ đồng với 90% đơn hàng theo hình thức FOB.

Nhiều DN cho biết, triển vọng của ngành thời gian tới rất khả quan, dù kim ngạch xuất sang sang EU 9 tháng đầu năm đã giảm 5,6% so cùng kỳ (đạt 1,81 tỷ USD). Khả quan là nhờ thị trường Mỹ, dù khó khăn vẫn sẽ chọn và tiêu thụ hàng Việt Nam, nhiều khách hàng Nhật đang tìm cách tăng đơn hàng tại Việt Nam. Đây được xem là cơ hội cho DN dệt may trong nước. Một vài DN dệt may lớn cũng đã tìm đơn hàng đến tháng 6/2013, một số khác đang tăng tiếp cận các thị trường mới như thị trường Nga để tìm đơn hàng...

Trong 9 tháng năm 2012, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn đạt 3.394 triệu USD (bình quân 1 tháng đạt 377 triệu USD). Như thế với tốc độ này cả năm 2012, xuất khâu gỗ và sản phẩm gỗ có thể sẽ đạt 4.524 triệu USD. Da giày cũng có kim ngạch xuất khẩu khá ấn tượng. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của da giày sang thị trường EU là 1,87 tỷ USD, tăng 2,1%, Hoa Kỳ đạt 1,65 tỷ USD, tăng 19,2%, Nhật đạt 245 triệu USD, tăng 33,5%, Trung Quốc đạt 219 triệu USD, tăng 28,1%;... so với cùng kỳ năm 2011…

Tuy nhiên, theo các DN, dù dự báo từ nay đến cuối năm là thời điểm các nhà nhập khẩu sẽ tăng nhập các mặt hàng như thủy sản, gỗ, dệt may, da giày… để phục vụ mùa Noel và năm mới, nhưng kèm theo đó vẫn sẽ tăng những khó khăn.

VASEP cho biết, cá tra, tôm…sẽ đối mặt với khó khăn do bị cảnh báo chất lượng tại thị trường EU, Nhật, Mỹ..., bị cạnh tranh mạnh bởi Ấn Độ, Thái Lan, trong khi giá thức ăn tăng, cước vận tải tăng nhưng giá bán không tăng, Đây cũng là những nguyên nhân 9 tháng đầu năm thủy sản xuất sang EU giảm 14,3% so cùng kỳ (đạt 847 triệu USD). Vì thế để đạt 6,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm của ngành sẽ không dễ. Về mặt hàng gạo, theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dù sản lượng xuất khẩu tăng, nhưng trị giá xuất khẩu đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước do giá gạo bình quân trên thị trường thế giới giảm. Vì thế dù sản lượng gạo xuất khẩu có thể đứng thứ nhất thế giới song lợi nhuận thu về không xứng với công sức DN, nông dân.

Ngành chế biến gỗ sẽ tiếp tục gặp khó khăn về nguyên liệu gỗ vì việc nhập khẩu gỗ vẫn còn khá lớn. 9 tháng đầu năm 2012, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu gỗ cho chế biến đã lên đến 907 triệu USD và giá nhập khẩu gỗ có xu hướng tăng cao hơn tốc độ tăng của giá sản phẩm xuất khẩu. Điều này đang làm giảm lợi nhuận của DN, dẫn đến giảm thu nhập cho người lao động.

Tăng giải pháp tháo gỡ khó khăn

Để hỗ trợ DN sản xuất, xuất khẩu vào những tháng cuối năm, hầu hết các cơ quan, Bộ ngành liên quan đến hoạt động xuất khẩu sẽ gia tăng các hoạt động hỗ trợ DN.

Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho biết đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý các lô hàng xuất khẩu thủy sản bị cơ quan thẩm quyền Nhật, Hàn Quốc, EU, Nga cảnh báo về chất lượng và Bộ NN-PTNT sẽ kiên quyết xử lý những doanh nghiệp có hàng thủy sản không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiệp hội Lương thực Việt Nam đang hướng dẫn các DN xuất khẩu trực tiếp các loại gạo thơm, nếp, tấm vào các thị trường có hợp đồng tập trung và khuyến cáo không nên chào bán với mức giá thấp; đồng thời nên tăng mua vào lúa gạo vụ Thu Đông, lúa thơm để xuất khẩu cuối năm.

Bộ Công Thương cho biết sẽ tích cực nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hỗ trợ DN đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, nhất là đối với những mặt hàng sử dụng nhiều nguyên vật liệu trong nước, thực hiện các biện pháp duy trì đà tăng trưởng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, thủy sản, dệt may, da giày, hàng điện tử, điện thoại-linh kiện và nâng cao chất lượng loại sản phẩm không có điều kiện tăng số lượng như nông lâm thủy sản.

Để tạo thêm thuận lợi cho DN xuất khầu, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính điều chỉnh linh hoạt thuế xuất khẩu, nhập khẩu, tạo thuận lợi hơn khâu thủ tục Hải quan theo hướng hỗ trợ tối đa cho DN. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ triển khai tích cực hơn tín dụng đầu tư, bảo lãnh tín dụng cho DN, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ, triển khai mạnh công cụ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.

Bộ Công Thương vừa duyệt đợt 3 Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia gồm 24 đề án với tổng kinh phí 13,68 tỷ đồng và đang tiếp thu đề nghị của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, các địa phương vùng ĐBSCL về việc đưa gạo, cá da trơn vào Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia.

Nguồn VOV.VN