Phát biểu tại phiên họp ngày 31-10 của Hội đồng Xã hội Nga về hợp tác quốc tế và ngoại giao công chúng trực thuộc Viện Xã hội, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennađi Gatilốp (Gennady Gatilov) đã đưa ra tuyên bố trên, đồng thời nhấn mạnh trong cuộc gặp mới đây với các đại sứ và đại diện của Nga ở nước ngoài, Tổng thống Nga Vlađimia Putin (Vladimir Putin) đã yêu cầu có những nỗ lực hết sức nghiêm túc nhằm thúc đẩy "sức mạnh mềm" của Nga. Theo ông Gatilốp, "sức mạnh mềm", nếu sử dụng hiệu quả sẽ giúp Nga đạt được những ưu tiên trong các hoạt động quốc tế và tạo ra được những điều kiện thuận lợi nhất cho đất nước phát triển bền vững. Tuy nhiên, khái niệm này cũng có thể bị một số lực lượng thù địch sử dụng để can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia có chủ quyền. Ông Gatilốp nhấn mạnh trong thời gian qua, hình ảnh nước Nga trên trường quốc tế đôi lúc bị xuyên tạc, bóp méo nên nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là làm thế nào để thế giới nhận được thông tin đáng tin cậy về nước Nga.
Trong số những công cụ "sức mạnh mềm" của Nga, ông Gatilốp nhấn mạnh tới việc tăng cường sự hiện diện về văn hóa, thông tin và con người Nga ở nước ngoài, tham gia thiết thực hơn vào thị trường giáo dục thế giới, gắn kết với công dân Nga định cư lâu dài ở nước ngoài và thực thi các chương trình di trú rõ ràng hơn. Nhà ngoại giao Nga lạc quan rằng các nỗ lực của Chính phủ Nga tăng cường "sức mạnh mềm" sẽ thành công trong tương lai gần.
Khái niệm "sức mạnh mềm" được học giả Giôsép Nai (Joseph Nye), Trường Đại học Harvard đưa ra để miêu tả việc phổ biến tầm ảnh hưởng của một quốc gia thông qua những phương tiện phi quân sự. Khái niệm này sau đó đã được sử dụng phổ biến trên thế giới như là một chính sách đối ngoại.
Theo TTXVN