Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra
một số dự án Luật. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Trong buổi sáng 29-10, Quốc hội đã nghe: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét sớm hơn dự kiến, sau khi đã tiếp thu ý kiến của nhiều Bộ, ngành, thẩm định của Bộ Tư pháp, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Tờ trình và Báo cáo thẩm tra tại Quốc hội đã chỉ ra những bất cập của Luật Đất đai năm 2003 như: Chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ; pháp luật về đất đai hiện hành còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp, chưa thật đồng bộ; quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư và các thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều hạn chế. Lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được đảm bảo tương xứng. Nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn. Tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp.
Nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai năm 2003, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chỉ ra 15 vấn đề cần được làm rõ trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bao gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Cơ chế thu hồi đất; Hình thức giao đất; Giá đất, Thẩm quyền thu hồi đất; Giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đòng bào dân tộc thiểu số...Về thời hạn giao, cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân, đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành việc quy định thời hạn giao, cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân là 50 năm, vì thời hạn này sẽ tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị thực hiện giao đất nông nghiệp không thời hạn; việc quy định thời hạn không có nhiều ý nghĩa và sẽ làm tăng thêm các thủ tục hành chính và chi phí cho việc gia hạn sử dụng đất khi hết thời hạn.
Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, Thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình bày Tờ trình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo đó, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng: Thứ nhất, tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ ta đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Thứ hai, thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong Cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng; Thứ ba, hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài...
Các đại biểu trong giờ nghỉ giải lao. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Cũng trong sáng 29-10, Quốc hội cũng đã nghe: Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Hòa giải cơ sở; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hòa giải cơ sở; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống khủng bố; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống khủng bố; Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phùng Quang Thanh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam