Để làm rõ khái niệm cụm từ “Đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam” mà Hội nghị Trung ương khóa VI đề ra các nhà khoa học, các nhà giáo, nhất là giới trí thức Thủ đô, những người tâm huyết với sự nghiệp trồng người nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung như: Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, các giáo sư Hoàng Tụy, Phan Huy Lê, Hồ Ngọc Đại, Phạm Minh Hạc, Hoàng Xuân Sính, Chu Hảo, Nguyễn Đình Chú, Lê Hải Châu… tiếp tục có những kiến nghị cũng như đưa ra biện pháp để chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Dạy người song song dạy chữ
“Có thể nói trong 12 năm từ tiểu học đến hết trung học phổ thông, giáo dục của mình chỉ làm được việc dạy kiến thức, còn việc dạy người thì chưa làm được gì”, GS.Hoàng Xuân Sính thẳng thắn nhìn nhận điều này. Bà dẫn chứng, chúng ta không dạy học sinh chăm chỉ và tiết kiệm trong đời sống hàng ngày, nhưng đó lại là đức tính để một dân tộc giàu có.
Buổi học đầu tiên trong trường mới của học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Trần Văn Giàu (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN
Người ta thường nói: Cứ xem người dân hành xử ở nơi công cộng thì sẽ đánh giá được ngay giáo dục của nước họ. Đi du lịch ở Trung Quốc ta sẽ thấy những biển đề nghị “Nói khẽ”, ở Thái Lan là “Không xả rác”, ở Xinhgapo là “Thừa một lạng thức ăn phải trả 10 đô la (Xinhgapo)” ở quán ăn tự phục vụ, và các biển đó viết bằng tiếng Việt chứ không phải tiếng Anh, nghĩa là chỉ dành cho người Việt Nam. Người mình không thấy đó là một điều sỉ nhục mà chỉ thấy “ngồ ngộ”. Ta cũng phải thừa nhận nhiều khi ăn theo kiểu tự phục vụ, ta thường lấy nhiều thức ăn rồi bỏ phí phạm ở đĩa ăn, một thói quen rất xấu mà ta không giáo dục từ khi còn ở nhà trường. GS.Sính kết luận, dạy chữ không được quên dạy người. Con người có học phải là con người tử tế, phải biết xấu hổ với các hành động không tốt, không đẹp.
GS. Hoàng Tụy nói ngắn gọn rằng, nhà trường không thể chỉ dạy chữ, dạy kiến thức, mà còn phải dạy người. Thực tế xưa nay nhà trường nào cũng làm như thế cả, dù gián tiếp hay trực tiếp, dù có ý thức hay vô ý thức. Cái khác nhau chỉ là ở nội dung và cách dạy người. Dạy cho thanh thiếu niên thành người như thế nào, đó là chỗ khác cơ bản giữa nhà trường lạc hậu và nhà trường hiện đại, tiên tiến.
Bắt đầu từ đâu?
Muốn đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, GS. Phạm Minh Hạc đề nghị, phải đoạn tuyệt triết lý (tâm lý) hư danh, tốn tiền của dân và xã hội, hiệu quả thấp. Nhà trường phải chuyển hẳn sang dạy và học để hình thành và phát triển năng lực sống thực ở thế hệ trẻ, để họ có thể tạo lập cuộc sống tốt đẹp của chính họ, đồng thời có thể giúp gia đình và đóng góp, cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Việc dạy và học phải nhằm hình thành và phát triển giá trị bản thân của người học. Thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục, đồng thời quán triệt tư tưởng giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, với nòng cốt là đội ngũ nhà giáo có lương tâm và tay nghề tốt, quản lý giáo dục theo một triết lý giáo dục đúng đắn, mới có đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.
GS. Hoàng Tụy kiến nghị phải từ bỏ các triết lý lạc hậu. Thay vào đó phải can đảm tiến lên thực hiện nền giáo dục như ở mọi nước văn minh hiện nay. Dạy người trong nền giáo dục là đề cao tính nhân văn: rèn luyện nhân cách, phẩm chất trí tuệ, năng lực cảm thụ, ý thức cộng đồng, hướng theo thang giá trị phổ quát của nhân loại đương thời. Có như thế mới có thể hội nhập thành công và mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mới có cơ may thành hiện thực. Bằng không chúng ta sẽ mãi lẹt đẹt theo sau thiên hạ và cái mục tiêu ấy sẽ mãi xa vời.
GS. Phạm Minh Hạc khẳng định, Đại hội XI của Đảng đã chọn nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà làm một trong 3 khâu đột phá của chiến lược 2011 - 2020. Về kinh tế, chúng ta đã đạt mức phát triển trung bình trên thế giới, tuy mới là trung bình thấp và đang còn rất nhiều khó khăn. Nhưng về xã hội, tình hình phức tạp hơn nhiều. Cho nên phải coi kinh tế là biện pháp còn xã hội và con người là mục tiêu. Do đó phải đổi mới nền giáo dục theo một triết lý phục vụ đắc lực yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, sản phẩm giáo dục, đào tạo - “đầu ra” giờ đây chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu thị trường. Tư duy cũ kỹ, bao cấp theo kế hoạch chậm được đổi mới. Phổ biến đào tạo "lý thuyết suông", ít gắn với thực hành, với sản xuất, kinh doanh dẫn tới ra trường không biết làm việc, cơ sở phải đào tạo, bồi dưỡng lại. Các chợ lao động tuyển người của các doanh nghiệp và cơ quan có hàng nghìn người tham gia, nhưng chỉ tuyển được 5-10%.
“Tóm lại, ở ta dạy và học chỉ để đi thi, cả tâm lý xã hội lẫn quản lý nhà nước về giáo dục chưa thoát khỏi triết lý giáo dục “hư văn, khoa cử, quan trường”, GS.Phạm Minh Hạc thẳng thắn nhìn nhận.
Bởi vậy, muốn đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, phải đoạn tuyệt triết lý (tâm lý) hư danh, tốn tiền của dân và xã hội, hiệu quả thấp. Nhà trường phải chuyển hẳn sang dạy và học để hình thành và phát triển năng lực sống thực ở thế hệ trẻ, để họ có thể tạo lập cuộc sống tốt đẹp của chính họ, đồng thời có thể giúp gia đình và đóng góp, cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Việc dạy và học phải nhằm hình thành và phát triển giá trị bản thân của người học. Thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục, đồng thời quán triệt tư tưởng giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, với nòng cốt là đội ngũ nhà giáo có lương tâm và tay nghề tốt, quản lý giáo dục theo một triết lý giáo dục đúng đắn, mới có đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.
Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực
TS.Thang Văn Phúc cũng cho rằng cần xác định rõ nội hàm của giáo dục là quốc sách hàng đầu, đồng thời xác định trách nhiệm của Nhà nước đến đâu và trách nhiệm của xã hội, của doanh nghiệp, của người dân trong phát triển GD- ĐT, trên cơ sở đó để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực dành cho GD-ĐT.
Một giải pháp không kém phần quan trọng là đổi mới phương thức quản lý nhà nước về GD-ĐT theo hướng phân cấp trong thời kỳ chuyển đổi, phân định rõ trách nhiệm của Trung ương và của địa phương.
Đặc biệt, khi áp dụng chế độ thi tuyển cạnh tranh khi bổ nhiệm, đề bạt các vị trí lãnh đạo, quản lý trong nền công vụ sẽ khắc phục được chế độ bằng cấp hiện nay. Đội ngũ giáo viên, giảng viên phải được đảm bảo cuộc sống, tái đầu tư, nuôi được gia đình và có tích lũy.
Rất cần khuyến khích các cơ sở đào tạo từ các trường dạy nghề, trung cấp, CĐ tới ĐH thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm từ chương trình, phương pháp đào tạo gắn với thực tiễn, với thị trường. Nhà nước hỗ trợ hoặc giao, cho thuê các cơ sở vật chất của nhà trường. Nhà trường lấy đào tạo theo yêu cầu của xã hội, thị trường, còn xã hội và thị trường quyết định tồn tại và phát triển của các cơ sở đào tạo. Cần sửa luật GD - ĐT theo hướng này. Nhà nước giữ vai trò kiểm tra, kiểm soát chất lượng đào tạo.
Không dừng lại ở những kiến nghị chung chung, nhiều nhà giáo dục đã đưa các đề cương đổi mới giáo dục rất cụ thể. Ví dụ như các đề cương cải cách giáo dục của GS.Hoàng Tụy. Một số nhóm nghiên cứu đưa ra đề cương cải cách chương trình, sách giáo khoa... Như vậy, ở đây, năng lực biết lắng nghe và tiếp nhận của các nhà quản lý và hoạch định chính sách giáo dục là vô cùng quan trọng.
Nguồn Báo Tin tức - TTXVN