Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
(Ảnh: dangcongsan.vn)
Tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế. Qua đó, nêu bật 2 vấn đề chung và 17 vấn đề cụ thể, trong đó rất nhiều vấn đề đã được tiếp thu và chỉnh lý một bước như: thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, thời hạn bảo lãnh; trách nhiệm của các cơ quan quản lý thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế; xử lý việc chậm nộp tiền thuế, xử phạt đối với các hành vi khai sai…
Qua thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, một số quy định trong dự thảo Luật chưa bảo đảm tính cụ thể, đề nghị quy định chi tiết; đồng thời, cần luật hóa tối đa những vấn đề đang được quy định tại văn bản dưới luật, được thực hiện ổn định trong những năm qua.
Đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo Luật lần này sửa đổi theo hướng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan giải phóng hàng hóa. Quy định này một mặt hạn chế hiện tượng lợi dụng chính sách gia hạn thuế để cố tình nợ thuế, nhưng mặt khác sẽ phần nào ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích xuất khẩu của Nhà nước, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế đang giảm sút như hiện nay, quy định này sẽ khiến cho doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Do đó, theo đại biểu, cần cân nhắc nghiên cứu lại quy định này một cách cẩn trọng để hài hòa lợi ích nhà nước và của doanh nghiệp.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) kiến nghị, chưa cần thiết phải thay đổi quy định hiện hành, bỏ ân hạn 275 ngày đối với các doanh nghiệp sản xuất bình thường hiện nay. Theo đại biểu, không nên vì một thiểu số lợi dụng ân hạn này để kéo dài, chây ỳ trong vấn đề nộp thuế mà làm bất lợi đa số doanh nghiệp. Chỉ có điều, khi thực hiện, phải tăng cường các biện pháp xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp lợi dụng việc ân hạn để kéo dài, chây ỳ trong việc nộp thuế.
Bày tỏ lo lắng trước những dự báo khó khăn của tình hình xuất nhập khẩu trong năm 2013, đại biểu Vũ Huy Hoàng (Lạng Sơn) cũng đã kiến nghị không nên có những thay đổi về thời hạn nộp thuế với hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó có quy định về ân hạn 275 ngày đối với các doanh nghiệp sản xuất bình thường…
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) cho rằng, cần phải điều chỉnh thời gian kiểm tra hoàn thuế trước, kiểm tra sau từ 1 đến tối đa là 2 năm vì nếu để thời gian kiểm tra quá lâu sẽ gây ra tình trạng không thể theo dõi hồ sơ do cán bộ quản lý thu thuế luân chuyển, kế toán doanh nghiệp không ổn định, số lượng hồ sơ phát sinh ngày càng nhiều, khi sai sót tiến hành ấn định thuế rất khó khăn đối với doanh nghiệp do đã hạch toán vào giá thành sản phẩm và việc khắc phục sai sót cũng không mang tính kịp thời.
Trong khi đó, đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) lại yêu cầu làm rõ thế nào là tiền phạt và tiền chậm nộp đối với các doanh nghiệp để có những quy định rõ ràng hơn.
Nhiều đại biểu kiến nghị nên quy định thêm về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc gia hạn nộp thuế theo hướng Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc gia hạn nộp thuế vượt quá biên độ ngân sách nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, cụ thể, thuận lợi trong quá trình thực thi.
Một số ý kiến cũng chỉ ra, về chính sách thuế cần tiếp tục nghiên cứu để giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đảm bảo nguồn thu ngân sách mà vẫn đảm bảo tăng sức mua, cải thiện chất lượng cuộc sống và chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam